Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Phòng rối loạn tâm thần mùa thi

 Nhập viện vì dùng thuốc chống buồn ngủ

 
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thi cử, bệnh viện lại tiếp nhận một số sĩ tử nhập viện vì rối loạn tâm thần. Do áp lực học tập, lịch học kín mít cộng với sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh  đã khiến cho nhiều học sinh mắc bệnh.
 
Theo BS. Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hầu hết những bệnh nhân là học sinh nhập viện do các vấn đề liên quan đến học tập, thi cử thường có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, lo lắng sợ hãi, mất ngủ dài ngày hoặc bị những rối loại về cảm xúc, stress nặng, thậm chí  hoang tưởng. Rối loạn tâm thần nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng rất khó điều trị, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
 
Ngoài những trường hợp học sinh nhập viện với lý do áp lực học tập, thi cử khiến các em mắc phải chứng rối loạn tâm thần… thì gần đây bệnh viện đã tiếp nhận  những trường hợp sĩ tử  nhập viện do sử dụng thuốc bổ, chống buồn ngủ.
 
Điển hình 2 trường hợp là học sinh N. T. L và và N.T. T,  nhập viện trong tình trạng rối loạn giấc ngủ, không ngủ được nhiều ngày. Sau khi khám các bác sĩ kết luận mắc rối loạn tâm thần do dùng thuốc và các chất kích thích.
 
Theo người nhà của bệnh nhân T., trước kỳ thi, do nóng gay gắt, muốn cắt được cơn buồn ngủ để học tập ôn luyện tốt T. đã áp dụng nhiều biện pháp như: uống trà đặc, cafe, nhai kẹo cao su... nhưng không có tác dụng nên đã dùng thuốc bổ và thuốc chống buồn ngủ để hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khi dùng loại thuốc này liên tục trong vài tuần T. có cảm thấy bứt rứt trong người, hay cáu gắt, ra mồ hôi nhiều, đau đầu, học không tập trung.
 
BS. Dũng cho biết thêm, tình trạng phụ huynh cho con dùng các loại thuốc bổ hỗ trợ trí nhớ không có đơn kê của bác sĩ đang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, các loại thuốc này có tác động biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc... của các học sinh. Có loại thuốc tuy có tác dụng an thần, giải tỏa căng thẳng, nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ gây ra tác dụng không mong muốn.
 
Đối với thuốc chống buồn ngủ sẽ kích thích đầu óc tỉnh táo, nhưng nếu dùng thuốc kéo dài có thể làm cơ thể suy kiệt và nguy hiểm hơn là gây nghiện. Bởi đây là một dạng thuốc kích thần, tác động của nó là tạo hưng phấn, chống buồn ngủ, chống đói... Khi dùng thuốc gây kích thích lên hệ thức tỉnh qua hệ thống thần kinh khiến người dùng sẽ bị tăng huyết áp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi, gây chán ăn dẫn đến cơ thể gầy mòn, suy kiệt. Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ triền miên sẽ khiến cho cơ thể con người mệt mỏi, các cơ đau nhức, mắt mờ đi, giảm tập trung. Mất ngủ kéo dài sẽ gây rối loạn trí nhớ, có những hành vi bất thường và bị hoang tưởng. Nếu dùng các loại thuốc tác động đến thần kinh không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây hại, suy giảm khả năng làm việc của bộ não, biến đổi tâm thần, ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc… Nguy hiểm hơn nếu dùng thường xuyên lâu dài thì gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây tai biến và tử vong.
 
Lời khuyên dành cho sĩ tử
 
BS. Nguyễn Văn Dũng cho biết: Để tránh rối loạn tâm thần các sĩ tử cần tạo phương pháp học tập đúng, phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi để cân bằng trạng thái tinh thần, tránh căng thẳng kéo dài bằng cách tạo lịch trình khoa học như:
 
Phương pháp học tập đúng
 
Các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh cần có lịch trình học tập khoa học, sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý để  thí sinh chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cũng như các kiến thức cần thiết cho kỳ thi. Tránh tình trạng lo lắng thái quá học đêm học ngày rất có hại cho sức khỏe, dễ bị stress vì tâm lý hoang mang, chỉ sợ không học hết, học không kịp… dẫn đến tình trạng trầm tính, tự kỷ, thậm chí tìm lối thoát hết sức cực đoan để thoát khỏi áp lực thi cử.
 
Ngủ 8 giờ/ngày
 
Giấc ngủ đóng vai trò là một chìa khóa trong việc phục hồi lại trí nhớ trong bộ não. Nếu ngủ không đủ giấc sẽ gây ra những hậu quả khôn lường như thiếu tập trung, giảm trí nhớ… vì vậy, nên ngủ ít nhất 6 - 7 giờ trong một đêm, nên ngủ 8 giờ/ngày sẽ tốt cho sức khỏe và học tập. Cách tốt nhất trong mùa thi cử là thư giãn trước khi đi ngủ. Chính trong giấc ngủ mà não bộ làm việc, đưa các dữ liệu mới nạp vào tiềm thức. Tuy nhiên, giấc ngủ dài nhưng chập chờn sẽ không làm cho cơ thể khỏe khoắn bằng giấc ngủ ngắn nhưng đủ sâu.
 
Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý
 
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý cũng vô cùng quan trọng, cần ăn uống điều độ, không bỏ quên bữa sáng.  Bữa ăn hàng ngày cần đầy đủ bột, đường (glucid), đạm (protid), chất béo (lipid), sinh tố, chất khoáng và khoáng vi lượng thiên nhiên cung cấp từ rau quả tươi và uống đầy đủ nước, ăn nhiều trái cây giàu vitamin để tăng sức đề kháng, uống nhiều nước để làm mát cơ thể. Tăng cường các loại thực phẩm tốt cho trí nhớ như: cá (cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ...), nên ăn ít nhất ba bữa cá mỗi tuần để tạo màng tế bào thần kinh. Chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành sẽ tạo chất dẫn truyền thần kinh.
 
Chất sắt có nhiều trong gan, thịt, cá, trứng hoặc rau xanh và các loại đậu. Chất sắt từ nguồn thức ăn động vật sẽ hấp thu tốt hơn từ nguồn thực vật. Trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ chín… sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt vì sắt là chất cần thiết để tạo máu. Nếu thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu làm não không được cung cấp đủ ôxy sẽ khiến cho quá trình học kém tập trung, dễ buồn ngủ nhanh quên. Tuy nhiền cần lưu ý chế độ ăn dễ tiêu hóa. 
 
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh: “Ở lứa tuổi các em tuyệt đối không nên sử dụng những chất kích thích như: cà phê, trà đặc. Những thức uống có chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến thần kinh”.
 
Theo SK&DS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay