Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Vi chất dinh dưỡng - Bổ sung thế nào là an toàn?

  Những chất này có nhiều trong các thức ăn  nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng của Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã cho trẻ uống bổ không đúng, nếu thừa cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

 
Trong một báo cáo gần đây  (năm 2013) của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi  thiếu vi chất nghiêm trọng. Có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày, điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Có 3 bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng đang tác động đến sức khỏe cộng đồng là bướu cổ do thiếu iod, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu  sắt và khô mắt do thiếu vitamin A. Ngoài ra, hiện nay một vấn đề cũng cần quan tâm đó là bệnh còi xương do thiếu vitamin D, vì hậu quả của thiếu vi chất này sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của con người.
 
Vai trò và các biểu hiện của thiếu vi chất dinh dưỡng
 
Vitamin, chất khoáng có nhiều vai trò sinh học, tham gia các quá trình chuyển hóa trong cơ thê.̉ Chất khoáng là thành phần quan trọng cấu tạo nên cơ thể, canxi, photpho là thành phần chính của xương và răng. Chất khoáng có nhiều tác dụng trong các chức phận sinh lý và chuyển hóa của cơ thể, duy trì áp lực thẩm thấu. Ăn thiếu chất khoáng sẽ sinh ra nhiều bệnh.
 
Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt: sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia quá̉ trình vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Khi bị thiếu máu, trẻ thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung hay buồn ngủ. Khi bị thiếu máu nặng, trẻ hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn. Nhu cầu sắt ở trẻ độ tuổi 6 - 11 tháng: 12,4 mg/ngày, trẻ 1 - 3 tuổi 7,7mg/ngày, 7 - 9 tuổi: 11,9 mg/ngày, 10 - 14 tuổi: 19,5mg/ngày. Sắt  được cung cấp cho cơ thể từ hai nguồn thức ăn: thức ăn động vật (thịt bò,  lòng đỏ trứng gà, tim, gan, bầu dục, cá...) và thức ăn thực vật (đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương...). Để tăng hấp thu sắt, nên ăn hoa quả chín để cung cấp nhiều vitamin C.
 
Còi xương do thiếu canxi và vitamin D: Trong cơ thể canxi có vị trí đặc biệt, 98% canxi nằm ở xương và răng, vì vậy canxi rất cần thiết đối với trẻ em có bộ xương đang phát triển. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D. Khi thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Biểu hiện sớm của còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to, răng mọc chậm, lồng ngực dô, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương (chân vòng kiềng, chữ bát). Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ. Nhu cầu canxi cho 1 ngày của trẻ  6 - 11 tháng: 400mg, 1 - 3 tuổi 500mg, 4 - 6 tuổi 600mg, 7 - 9 tuổi: 700mg, 10 tuổi: 1.000mg. Nhu cầu vitamin D của trẻ em 5mcg/ngày (tương đương 200 đơn vị quốc tế - UI). Các thực phẩm có nhiều canxi: tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi... Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà...
 
Bướu cổ do thiếu iốt: iốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, cần cho tổng hợp hormon tuyến giáp, duy trì thân nhiệt, phát triển xương, quá trình biệt hóa và phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Khi cơ thể bị thiếu iốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Trẻ bị thiếu iốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, học kém, thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn. Nhu cầu iốt ở trẻ em khoảng 90 - 120mcg/ngày. Các thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau  cải xoong, tảo...
 
Suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm: kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, hình thành các tổ chức. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Nhu cầu kẽm của trẻ nhỏ 5 - 6mg/ngày. Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, so, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương (đậu nành)...
 
Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt: vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ lớn và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu, trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng sẽ bị khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.
 
Nhu cầu vitamin A ở trẻ em 400 - 500mcg/ngày. Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn... Rau xanh, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ) có nhiều beta caroten (tiền vitamin A).
 
Làm gì để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng?
 
Vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể, nhưng nhu cầu thì cần một lượng rất nhỏ, có thể tính chỉ bằng mcg đến mg, song khi thiếu lại gây nên nhưng hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em.
 
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn, các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại từ 4 nhóm thực phẩm và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm). Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non, hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
Ở Việt Nam đã có Chương trình Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như Chương trình Phòng chống thiếu vitamin A, bằng các hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng,
 
1 năm 2 lần; cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A liều cao; bổ sung vitamin A cho những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, những trẻ bị tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng. Chương trình Phòng chống rối loạn do thiếu iốt bằng khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối iốt và sản phẩm iốt (nước mắm, bột nêm) trong chế biến thức ăn. Chương trình Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng bằng cách cho phụ nữ có thai uống viên sắt - acid folic trong suốt thai kỳ .
 
Hiện nay, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các bà mẹ cũng nên biết và cần lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng như bánh qui bổ sung canxi, sắt, đường bổ sung vitamin A, bột ăn dặm bổ sung vitamin và khoáng chất...
 
Theo SKDS
 
 

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay