Nhiều em bé viêm màng não do virus
Cô con gái gần 4 tuổi bị sốt, nôn, chị Hoa (Hà Nội) chỉ nghĩ đơn giản con bị viêm họng đơn thuần như trước. Hôm sau, thấy con cứ giơ tay lên trán chỉ đau, vợ chồng vội vã đưa con đi khám, bất ngờ khi bác sĩ yêu cầu chọc dịch não tủy để xem cháu có bị viêm màng não hay không.
"Tôi không ngờ là con bị viêm màng não do virus thật. May mà vợ chồng đưa con đi viện sớm. Đến giờ cháu nằm viện hơn 10 ngày, chắc là cũng sắp được xuất viện. Các bác sĩ bảo nếu phát hiện muộn có thể để lại nhiều di chứng, thậm chí là bại não, liệt, nếu không thì sau này học hành kém", chị Hoa cho biết.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo, hiện bắt đầu vào mùa dịch viêm màng não do virus vì thế cha mẹ cần hết sức cảnh giác. Bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ 2-14 tuổi, biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi.
Khởi đầu, trẻ thường bị sốt, một số đau đầu, nôn không rõ nguyên nhân. Trẻ trong cơn sốt mà đau đầu, nôn thì chưa nghi ngờ, nhưng hết sốt rồi mà vẫn còn các biểu hiện này thì đó có thể là dấu hiệu sớm của bệnh. Trường hợp nặng thì co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê.
Tác nhân gây bệnh có thể do virus viêm não Nhật Bản, thường gặp ở trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đẩy đủ. Nhóm nguyên nhân thứ hai là các virus đường ruột, bệnh diễn biến bất thường, có trường hợp nhẹ, sau một tuần khỏi bệnh mà không để lại di chứng gì. Ngược lại có trẻ lại diễn biến nặng, tử vong rất nhanh. Nhóm virus này hiện chưa có văcxin phòng. Ngoài ra, trẻ bị viêm não, màng não có thể là biến chứng của các bệnh truyền nhiễm thường gặp như thủy đậu, quai bị... Hiện nay hay gặp nhất là các trẻ bị viêm não do virus đường ruột, phó giáo sư Dũng cho biết.
Theo phó giáo sư, mấy năm gần đây khoa nhi đã đưa ra chiến lược phát hiện sớm các trẻ bị viêm màng não chứ không đợi đến khi có đầy đủ các biểu hiện bệnh như trước. Lý do vì một khi bệnh đã có đầy đủ các dấu hiệu điển hình thì nghĩa là đã nặng, co giật, hôn mê, liệt... Việc điều trị rất phức tạp, khó có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng.
"Vì thế, bất kể trường hợp nào sốt, nôn, đau đầu không rõ nguyên nhân thì chúng tôi đều khuyến cáo xét nghiệm dịch não tủy sớm. Trước cha mẹ rất sợ cho con chọc dịch não tủy, nhưng với kỹ thuật tốt như hiện nay, kim nhỏ thì việc này thường ít đau, tỷ lệ lấy được cao hơn trước nhiều, an toàn", phó giáo sư Dũng nói.
Cũng theo bác sĩ, phát hiện sớm, chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị cao hơn. Phần lớn trong một tuần là khỏi, có trẻ thì 10 ngày. Điều đáng nói là nhờ chữa sớm mà trẻ hầu như không có biến chứng gì. Nếu không được điều trị sớm sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kémm, ảnh hưởng đến kết quả học tập…
Viêm màng não do virus thì không cần dùng kháng sinh, chữa triệu chứng, chống phù não, bù nước, điện giải, hạ sốt, chống co giật....
Bác sĩ khuyến cáo trong vụ dịch như hiện nay, cha mẹ khi thấy con sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân đến ngày thứ 3 không đỡ thì nên đến bệnh viện kiểm tra. Bên cạnh đó, trẻ sốt kèm nôn, đau đầu, co giật, mệt lả, ngủ li bì, ăn uống kém... thì cũng nên đến bệnh viện. Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Với nhóm virus đường ruột thì cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn.
Theo VnExpress