Con đi nhà trẻ, mẫu giáo thường đòi về, khóc trong lớp... khiến nhiều phụ huynh khóc theo, trăn trở tìm cách để con hòa nhập với các bạn, không khóc khi đến lớp.
Thời gian này khi nhiều trẻ đã bắt đầu “nhập trường”, cũng là giai đoạn vất vả đối với các bậc phụ huynh, khi bé đi nhà trẻ, lớp mẫu giáo luôn khóc quấy. Trẻ ở nhà được bố mẹ, ông bà chăm sóc, nâng niu và luôn bên cạnh. Nên lúc đi nhà trẻ thường khóc quấy, nhất quyết không chịu vào lớp.
Dưới đây là các “tuyệt chiêu” được đúc rút từ kinh nghiệm của chính các bậc phụ huynh có con đi nhà trẻ, mẫu giáo:
Đi học... cùng con
Đó là mẹo hay của chị Thu Minh (khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội) khi mới bắt đầu cho bé Chíp (năm nay 5 tuổi) từ cách đây hơn 2 năm. Chị Minh chia sẻ, Trong 3 ngày đầu, mình theo con vào lớp, chơi đồ chơi cùng con, cho con ăn... Đến trưa thì xin phép các cô cho bé về. Hết 3 ngày đi cùng, 3 ngày tiếp theo mình để con ở trường luôn, cũng đến trưa đón về nhà.
Chị Minh cho biết thêm, sang tuần thứ 2, bé học nguyên ngày ở trường, sáng đến lớp chưa biết sẽ ở nguyên ngày nên vẫn hào hứng, nhưng chiều đón lại thấy phụng phịu. Lúc này phải kiên trì, sáng hôm sau đưa con đến lớp, giao con cho cô mà bé khóc là phải quay lưng thật dứt khoát. Hết tuần thứ 2, con đã chịu đi học. Kiên trì dần dần thì thấy, sáng ra gọi đi học thì con vui thích lắm.
Trẻ mới đi học hay khóc, đòi về phụ huynh cần phải kiên trì với các bé.
Chuẩn bị tâm lý cho bé
Từng có giai đoạn “mất ăn mất ngủ” khi con đi học, nên chị Nguyễn Thu Thảo (ngõ 1 Bùi Xương Trạch, Hà Nội) thấu hiểu cảm giác của các bậc phụ huynh có con mới đi nhà trẻ. Chị Thảo cho biết, lần đầu tiên bé đi nhà trẻ, bé khóc và đòi mẹ cũng là chuyện bình thường. Nhưng phụ huynh cũng có thể giúp bé khóc ít, thậm chí là không khóc bằng cách trước khi cho bé đến trường 1 tuần, hãy làm “công tác tư tưởng” cho con.
Chị Thảo ví dụ: Hằng ngày bố mẹ hãy nói với bé rằng sang tuần mẹ cho con đến trường học nhé, ở đó có nhiều bạn và đồ chơi để con chơi cùng các bạn, có cô giáo dậy múa, hát con có thích không?... Chỉ cần nhận được sự đồng tình của bé “vâng”, ngật đầu và ngày nào cũng nói với con như vậy là thành công đến 90% rồi. Khi đưa con tới lớp, thấy con khóc thì bình tĩnh để con ở lại cho cô giáo và về, nên tin tưởng vào các cô giáo được đào nghiệp vụ giữ trẻ.
Kể nhiều chuyện cho con
Hãy chuẩn bị cho con tinh thần bằng cách mua sách về đọc cho con - đó là kinh nghiệm của phụ huynh Nguyễn Thu Loan (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội). Chị Loan chia sẻ thêm, phụ huynh nên mua các chuyện thiếu nhi như: Thỏ, Sóc, Gà... đi học. Bé sẽ thấy điều hay trong tưởng tượng khi đi học. Rồi tiếp tục kể cho bé nghe chuyện vui ở trường có nhiều bạn mới.
“Bé nhà mình lúc đầu đi nhà trẻ cũng thích lắm, nhưng hôm sau lại không muốn đi. Vậy là hôm nào đến trường cũng phải dành chút thời gian chơi với con, cho con chơi ngoài cầu trượt, đu quay. Lúc đi đón thì cố gắng đón thật sớm, để bé không có cảm giác bị bỏ rơi, khóc khi các bạn khác được đón về. Lúc thấy con buồn, hãy hỏi nguyên nhân và giải thích cho bé” - Chị Loan tư vấn.
Khen ngợi con thật nhiều
Theo các chuyên gia tâm lý, để bé thôi khóc và hoà nhập dần với lớp học, bạn bè, nếp sinh hoạt mới… thì cả gia đình và các cô giáo đều cần phải gần gũi cùng giúp đỡ trẻ. Còn cha mẹ thì cần bình tĩnh để tạo sự tự tin, cứng cỏi cho con. Còn khi đón bé cũng thế, luôn luôn cười nói tự nhiên, để cho bé dần thấy việc đi học là hết sức bình thường và vui vẻ.
Gia đình hãy cho bé làm quen với trường lớp trước khi bé đi học chính thức, bằng cách bố trí một số buổi đưa bé đến chơi với các bạn ở trường. Khi ở nhà hãy luôn nhắc đến việc đi học với những điều thú vị để bé cảm thấy thích thú. Trẻ thường rất thích được biểu dương, nên bố mẹ đừng quên luôn khuyến khích khen ngợi con.
Theo SKDS