Nụ cười của con trẻ luôn khiến trái tim bạn tan chảy, nhưng nếu một lúc nào đó bạn thấy răng của con không còn trắng, lại còn bị sún nữa. Bạn sẽ tự trách mình. Để bạn không phải có những lúc hối hận như thế, hãy học cách chăm sóc đúng đắn cho sức khỏe răng miệng của bé.
Đừng coi thường răng sữa
Tại các phòng răng, nhiều ông bố bà mẹ đưa con đến khám chỉ khi thấy con đau hoặc để nhổ răng sữa. Đa phần đều cho rằng răng sữa không quan trọng, sớm muộn rồi cũng bị thay thế, vì vậy mới có tâm lý coi thường, không chú ý chăm sóc. Thực tế thì “sức khỏe” của răng sữa hiện tại ra sao đều ảnh hưởng tới tương lai của con bạn sau này. Nếu răng sữa bị hỏng và phải nhổ sớm, mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp nên không mọc ngay được, lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc. Mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và đôi khi mọc lệch. Răng sữa cũng giúp trẻ phát âm trong quá trình học nói. Vì thế, nếu răng sữa bị hỏng, bị sún mất nhiều răng, bị sâu sớm phải nhổ, có thể ảnh hưởng tới phát âm của trẻ, trẻ có thể nói ngọng. Ngoài ra, răng sữa giúp trẻ cắn, nhai thức ăn. Nếu bị sún, mất răng sữa sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiêu hóa của trẻ. Chưa kể đến hoạt động nhai nuốt bình thường bị ảnh hưởng, sự phát triển bình thường của xương hàm cũng bị tác động tiêu cực.
Nên sớm đưa trẻ đi nha sĩ khi răng trẻ có vấn đề.
Chăm sóc răng sữa đúng cách
Khi bé dưới 1 tuổi: Cho bé uống ít nước ngay sau khi bú hoặc sau khi ăn. Hãy dùng vải mềm (vải xô hoặc gạc y tế) quấn vào ngón tay thấm nước sạch hoặc nước muối loãng lau sạch răng và nướu (lau cả mặt ngoài lẫn mặt trong).
Khi bé được 1 tuổi: Bình thường trẻ tuổi này đã có khoảng 8 răng cửa. Có thể dùng bàn chải đánh răng loại lông mềm, kích thước nhỏ dành cho trẻ em để vệ sinh răng. Nhẹ nhàng cho trẻ làm quen với hoạt động này, tránh làm bé đau hoặc sợ hãi.
Với trẻ dưới 3 tuổi, nên cẩn thận khi sử dụng kem đánh răng trẻ em có chứa flour. Trẻ em hơn 3 tuổi có thể sử dụng kem đánh răng trẻ em chứa flour, với lượng kem phết lên bàn chải bằng hạt đậu. Như vậy không tạo quá nhiều bọt, gây khó khăn cho việc đánh răng, cũng phòng ngừa bé sơ ý nuốt phải kem đánh răng vào bụng. Khi trẻ lớn một chút, có thể dạy bé cách súc miệng để làm sạch miệng. Có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch mặt bên trong. Nên tập thói quen đánh răng cho bé 2 lần một ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
Ban đầu cha mẹ, người lớn có thể ôm trẻ vào lòng, vòng tay ra phía trước đánh răng cho trẻ. Tốt nhất là cho bé nhìn trước gương để làm quen với việc này. Khi trẻ lớn hơn có thể dạy trẻ cách tự đánh răng. Cách đánh răng đúng là: Đặt lòng bàn chải hướng về phía đường viền nướu một góc 45 độ so với răng, lắc nhẹ bàn chải. Chải từng nhóm răng, mỗi nhóm độ 2 - 3 cái, chải ba mặt răng: mặt ngoài (nhìn thấy khi há miệng), mặt trong (phía dưới) và mặt nhai. Cha mẹ cần tiếp tục theo dõi và chải răng cho trẻ đến khi trẻ có kỹ năng tự chải răng một cách hiệu quả.
Ở những nơi không có điều kiện tìm mua kem đánh răng dành riêng cho trẻ em, bạn cũng đừng lo lắng. Bởi chính việc chải răng đúng cách mới làm sạch các mảng bám trên răng. Có thể đơn thuần đánh răng bằng nước sạch hay nước muối loãng cũng tốt.
Vi khuẩn gây bệnh răng miệng lây từ răng này qua răng khác và từ miệng người này qua miệng người khác. Vì thế để tránh bệnh răng miệng cho trẻ, không nên hôn vào miệng trẻ, nếm thức ăn hay mút vú giả trước khi cho trẻ bú, cắn thức ăn rồi đút cho trẻ. Không cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người bị sâu răng và tuyệt đối tránh sử dụng chung bàn chải đánh răng. Nhiều bé có thói quen ngậm bình sữa đi ngủ, thói quen này cần xóa bỏ.
Một chế độ ăn uống khoa học cũng góp phần bảo vệ răng cho bé. Không nên cho bé ăn đồ ăn vặt nhiều, ăn đồ ngọt hay uống các loại nước có độ đường cao. Cho bé ăn các thức ăn giàu canxi và fluor như: cá biển, trứng, sữa tươi và các chế phẩm từ sữa...
Với những trẻ đã bị sún răng, răng sữa lung lay sớm thì cha mẹ cần đưa bé đến khám ở chuyên khoa răng hàm mặt tại các bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra các biện pháp cần thiết để tránh hiện tượng răng bé mọc chen chúc, mọc lệch sau này. Tốt nhất là nên cho trẻ khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần.
Theo SKDS