Ho do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trong điều trị phải hết sức thận trọng và đúng cách.
Nhiều loại ho
Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho này, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.
Có nhiều kiểu ho khác nhau. Ho khan thường phát ra do thanh quản bị viêm và phản ứng của khí quản khi nhiệt độ thay đổi trong đêm, do đó trẻ em thường thở khò khè. Trẻ dưới 3 tuổi thường dễ mắc bệnh này và hay xảy ra vào ban đêm.
Ho kèm theo tiếng khò khè là do đường thở phía dưới của bé bị tăng tiết dịch nhầy, thường do nhiễm vi khuẩn hay virút hoặc một vật nào đó mắc trong khí quản của trẻ.
Ho xuất hiện đột ngột có thể do trẻ đã nuốt thức ăn hoặc nước uống nhầm đường hô hấp thay vì chúng xuống thực quản thì nó lại chui vào khí quản của trẻ.
Uống 1 muỗng mật ong nguyên chất trước giờ ngủ, các cơn ho đêm giảm đáng kể
Ho lúc nửa đêm thường xuất hiện do trẻ bị dị ứng, hen suyễn, nhiễm lạnh…
Ho kèm theo sốt, trường hợp này nếu trẻ bị ho, sổ mũi, sốt nhẹ thì thường là do cảm lạnh, nhưng nếu trẻ ho và kèm theo sốt 39 - 400 hay cao hơn thường là bé bị viêm phổi, viêm họng cấp hay viêm phế quản phổi.
Điều trị ho không dùng thuốc
Cách điều trị này thường áp dụng cho trẻ cho trẻ bị ho do bị cảm lạnh thông thường, nhất là vào thời gian chuyển mùa, thời tiết từ nóng sang lạnh, lúc mưa nhiều, thời tiết lạnh… Thường trẻ em rất dễ bị cảm lạnh, viêm mũi họng do nhiễm siêu vi từ đó gây ho. Trường hợp này phụ huynh không cần dùng thuốc trị ho mà chỉ cần chăm sóc đúng cách như: giữ ấm, nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ chất, cho uống nước nhiều hơn đặc biệt nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng. Bệnh có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày và không ảnh hưởng nhiều đến trẻ.
Nên mátxa gan bàn chân cho bé. Dùng một vài giọt dầu như: dầu oliu hoặc dầu hạnh nhân hoặc tinh dầu bạc hà vào lòng bàn tay, xoa đều rồi mátxa lòng bàn chân cho bé, vuốt nhẹ nhàng và đều tay theo chiều từ gót chân đến ngón chân.
Vỗ rung long đờm cho bé, trường hợp bé ho có đờm, bằng cách vỗ rung, khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục và nên để bé nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống. Sau động tác này, bé có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm, cần làm lúc bé đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì. Với những bé không tự khạc được đờm, mẹ có thể kích thích cho bé nôn, có thể bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng…
Điều trị ho dùng thuốc
Cách điều trị này nhất thiết phải có sự chỉ định của thầy thuốc. Vì ho có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có bệnh ho gây tăng tiết đờm thì cần dùng thuốc ho long đàm, để tống đờm dãi ra ngoài, nếu cho trẻ dùng thuốc cắt phản xạ ho, sẽ gây tắc ứ động đờm giải rất nguy hiểm. Thuốc dùng thường theo lứa tuổi, hay trọng lượng cơ thể, nên nhất thiết phải dùng đúng liều lượng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, không được dùng thuốc kháng histamin chứa promethazin, tên biệt dược trên thị trường là sirô Phénergan cho trẻ dưới 2 tuổi, vì đối với trẻ quá nhỏ thuốc có thể gây kích động và co giật.
Với thuốc viên trị ho trong thành phần chứa codein với tên biệt dược là Neocodion, Eucalyptine, Terpine Gonnon, Terpine-codein… chỉ dành cho người lớn, tuyệt đối không được dùng cho trẻ em vì có thể ngộ độc codein gây hôn mê và ngừng thở. Với kháng sinh, trẻ quá nhỏ tuổi không được dùng như: tetracyclin, cloramphemicol, nhóm quinolon. Trẻ em dưới 7 tuổi không được dùng thuốc tetracyclin vì kháng sinh này làm răng bị nhuộm màu vàng xám không hồi phục. Với trẻ em còn phụ thuộc chiều cao cũng được tránh: thuốc có thành phần fluoroquinolon: ofloxacin, norfloxacin, perfloxacin… vì kháng sinh có thể gây loạn dưỡng sụn.
Điều trị ho theo y học cổ truyền
Bên cạnh việc điều bởi bác sĩ chuyên khoa, ông cha ta có những bài thuốc dân gian có thể trị ho cho trẻ rất công hiệu mà không ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của bé.
Điều trị ho cho bé bằng uống mật ong trước giờ đi ngủ:
Các bác sĩ của bệnh viện Nhi bang Pennsylvania (Hoa Kỳ) đã rút ra kết luận, sau khi thử nghiệm trên 105 bé cho uống mật ngọt, ở những bé được uống 1 muỗng mật ong nguyên chất trước giờ ngủ, các cơn ho đêm giảm đáng kể, bé ngủ ngon và ngủ sâu hơn. Chỉ sử dụng cách này với bé trên 1 tuổi.
Quất hồng bì ngâm đường phèn:
Cách này áp dụng được cho cả trẻ dưới 1 tuổi. Trong quất hồng bì có chứa tinh dầu giúp kích thích hệ hô hấp, long đờm và tống đờm ra ngoài. Ngoài ra, vitamin C trong quất hồng bì còn giúp trẻ tăng sức đề kháng và chống cảm cúm. Mỗi ngày cho trẻ dùng một thìa quất hồng bì ngâm đường phèn không những có tác dụng chữa ho cho trẻ em, mà còn rất có lợi nhiều mặt cho sức khỏe của trẻ.
Cam nướng chữa ho cho trẻ em:
Quả cam tươi, màu vàng, rửa sạch ngâm nước muối thật sạch, nướng bằng lò vi sóng rồi bóc vỏ cho bé ăn, có tác dụng cầm ho và giảm đờm. Đây là cách chữa ho trẻ em được nhiều bé ưa thích vì cam nước có mùi vị rất thơm.
Lá hẹ hấp đường phèn:
Ngoài tác dụngchữa ho cho trẻ em, hẹ còn có công dụng trị cảm ho, sốt sổ mũi, hẹ rất lành tính và cách làm rất đơn giản, chọn từ 5 - 10 lá hẹ và lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy và cho bé uống 2 lần/ngày, mỗi ngày từ 2 - 3 thìa cà phê- sẽ dịu ngay cơn ho.
Nước tỏi ngâm mật ong:
Giã nát 2 tép tỏi rồi trộn với lượng 2 thìa cà phê mật ong, hấp cách thủy và cho bé uống 1 - 2 lần/ngày. Phương pháp này cần lưu ý là không hấp chín tỏi, chỉ cần nếm thử có mùi hắc của tỏi là được, trước khi dùng nên cho bé uống nước lọc.
Chữa ho bằng cải cúc:
Cải cúc rửa sạch, thái nhỏ, trộn với mật ong và hấp cách thủy 20 phút cho ra nước, cho bé uống từ 3 - 5 ngày.
Theo SKDS