Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

8 sai lầm thường gặp khi cho con dùng thuốc

 Nhiều bậc cha mẹ thường vô tình mắc phải những sai lầm khi cho con dùng thuốc. Những sai lầm này có thể khiến bệnh kéo dài thêm cũng như gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, nhất là ở trẻ nhỏ.

Kích thước cơ thể nhỏ bé hơn cùng với hệ thống chuyển hóa chưa hoàn thiện càng khiến cho trẻ dễ gặp nguy hiểm trước những sai sót về thuốc. Hãy cùng bảo vệ bé an toàn hơn bằng cách tránh những sai lầm phổ biến dưới đây.

Dùng thuốc chồng chéo

Nhiều thuốc không kê đơn chứa những hoạt chất như nhau mặc dù các triệu chứng mà chúng điều trị là khác nhau. Ví dụ, nhiều công thức thuốc trị các triệu chứng cảm lạnh có chứa acetaminophen, cũng là hoạt chất làm giảm đau và giảm sốt có trong các loại thuốc hạ sốt. Nếu bạn vừa điều trị tình trạng ngạt mũi của bé bằng thuốc trị cảm lạnh, vừa cho bé dùng thuốc hạ sốt, thì rất có thể bé sẽ nhận được gấp đôi lượng acetaminophen theo khuyến nghị.

Cách tốt hơn: Với trẻ trên 4 tuổi, hãy chỉ điều trị triệu chứng chính. Bạn có thể kiểm tra hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chắc rằng đó là thứ tốt nhất cho triệu chứng của bé (hãy xem phần “mục đích” và “sử dụng” của hoạt chất). Đừng dùng hai thuốc cùng một lúc trừ khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Quên mất chế phẩm bổ sung

Hơn 1/3 số trẻ em ở Mỹ có uống vitamin hoặc chế phẩm bổ sung hằng ngày, tuy nhiên chưa đến 40% số cha mẹ của những trẻ này có nói về việc đó với bác sĩ. Các bác sĩ cần biết liệu có bất kỳ thứ gì trong cơ thể của trẻ có thể tương tác với thuốc hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc hay không.

Cách tốt hơn: Hãy mang theo danh sách các loại và liều lượng của từng thuốc, vitamin và chế phẩm bổ sung mà bé đang uống, cũng như danh sách những thứ mà bé bị dị ứng. (Việc lập sẵn danh sách này sẽ rất hữu ích trong trường hợp bé phải đi khám cấp cứu.) Hãy đảm bảo đưa cho bác sĩ danh sách này mỗi lần cho bé đi khám.

Phớt lờ y lệnh của bác sĩ

Các bậc cha mẹ thường rất nóng lòng muốn cho con thôi dùng kháng sinh khi bệnh của bé có vẻ khá hơn và việc cho bé uống thuốc rất vất vả. Nhưng vi khuẩn có thể sống lâu hơn và trở nên kháng với thuốc nếu bạn không theo hết liệu trình điều trị. Nếu bệnh tái phát, bé sẽ phải bắt đầu nguyên một liệu trình kháng sinh khác có thể gây ra những tác dụng phụ nặng hơn.

Cách tốt hơn: Hãy hỏi bác sĩ xem có thể pha thêm hương vị hoặc trộn thuốc với đồ ăn hay không.

Dùng thuốc cho những mục đích không có trong hướng dẫn sử dụng

Nhiều bậc phụ huynh cho con dùng Benadryl với mong muốn trẻ sẽ ngủ yên khi đi máy bay, nhưng 10% số trẻ lại trở nên kích động hơn – chứ không phải bình tĩnh hơn – sau khi dùng thuốc. Khi các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Y học Đại học Georgetown định chứng minh rằng Benadryl gây buồn ngủ, thì họ lại phát hiện ra rằng thuốc thực sự khiến trẻ tăng động hơn.

Cách tốt hơn: Hãy mang theo nhiều đồ chơi, đồ ăn vặt, và trên tất cả là sự kiên nhẫn của bạn trên suốt chặng đường dài.

Đong thuốc sai

Theo một nghiên cứu trên tờ International Journal of Clinical Practice, thìa ăn trong bếp có thể đựng được lượng chất lỏng gấp hai đến 3 lần cốc, xi-lanh hoặc thìa đong thuốc chuẩn. Nhưng ngay cả những dụng cụ y tế này cũng có thể sai nếu bạn không cẩn thận. Một nghiên cứu khác từ Trường Y Đại học New York thấy rằng 70% số bậc phụ huynh đổ thuốc ra cốc đong nhiều hơn lượng khuyến nghị.

Cách tốt hơn: Sử dụng ống nhỏ giọt, xi-lanh hoặc thìa đong thay cho cốc đong. Luôn đọc dấu hiệu thật cẩn thận. Thìa cà phê (tsp.) và thìa canh (Tbsp.) có thể rất giống nhau. Nếu bị nhầm giữa hai loại, trẻ có thể nhận được thuốc gấp ba liều khuyến nghị.

Kiêm luôn bác sĩ

Đứa nhỏ vốn khỏe mạnh ở nhà bạn bắt đầu kêu bị đau họng, giống y như đứa lớn đang uống thuốc để điều trị viêm họng liên cầu. Có vẻ như bạn hoàn toàn có thể tự chẩn đoán được bệnh cho đứa nhỏ và điều trị luôn cho nó bằng chai thuốc bạn đang dùng cho đứa lớn trong khi chưa mua được cho bé chai thuốc riêng. Nhưng nếu chẩn đoán của bạn bị sai, thì bé có thể bị bệnh nặng hơn. Đôi khi bé có đầy đủ các triệu chứng của viêm họng liên cầu nhưng thực ra lại bị tăng bạch cầu đơn nhân. Trong trường hợp này, kháng sinh có thể gây phát ban rất đáng sợ. Tự ý dùng kháng sinh khi không có đơn bác sĩ cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

Cách tốt hơn: Hãy để việc chẩn đoán bệnh cho những người có chuyên môn, và đừng bao giờ cho trẻ dùng chung thuốc kê đơn cho dù trẻ bị cùng một bệnh. Liều lượng thuốc sẽ khác nhau tùy theo tuổi, cân nặng và tiền sử bệnh của từng trẻ.

Căn cứ vào tuổi, chứ không phải vào cân nặng của trẻ để xác định liều thuốc

Trẻ em chuyển hóa thuốc khác nhau tùy thuộc vào cân nặng – chứ không phải vào độ tuổi. Sự khác biệt này đặc biệt quan trọng nếu trẻ thừa cân hoặc thiếu cân so với tuổi. Một nghiên cứu từ Khoa dược trường Đại học Minnesot, Mỹ thấy rằng trẻ béo phì chuyển hóa caffeine và dextromethorphan, thành phần chính trong nhiều loại thuốc giảm ho – nhanh hơn những bạn cùng lứa có cân nặng trung bình, nghĩa là trẻ có thể cần liều thuốc nhiều hơn so với trong hướng dẫn sử dụng.

Cách tốt hơn: Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc không kê đơn nếu cân nặng của trẻ cao hơn hoặc thấp hơn cân nặng theo độ tuổi ghi trên hướng dẫn sử dụng. Bác sĩ và dược sĩ cần tính đến cân nặng của trẻ khi viết đơn thuốc và bán thuốc.

Không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng

Nếu bé phải uống một loại thuốc nào đó khá thường xuyên – như thuốc kháng histamine để điều trị dị ứng, thì bạn rất dễ hình thành thói quen và cho bé uống lượng thuốc hệt như nhau mà không nhận ra rằng liều thuốc có thể cần thay đổi do bé đã lớn hơn hoặc thuốc đã hết hạn. Một lý do quan trọng khác để đọc hướng dẫn sử dụng thật cẩn thận: Bác sĩ và dược sĩ có thể nhấm lẫn khi kê đơn và bán thuốc cho bạn. Sai sót kiểu này có thể xảy ra do một số thuốc có tên gọi và hình thức na ná như nhau.

Cách tốt hơn: Hãy chắc chắn là bạn có thể đọc được đơn của bác sĩ. Nếu không thể, hãy đề nghị bác sĩ đánh vần đúng tên cùng với thông tin về cách sử dụng thuốc và ghi lại. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc khi bạn còn đang ở nhà thuốc để có thể dễ dàng hỏi lại nếu có thắc mắc. Luôn hỏi bác sĩ và dược sĩ về những thay đổi khi cấp lại đơn thuốc.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay