Giáo dục giới tính là một phần trong chương trình giáo dục về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Chính nó là cơ sở sâu xa cho việc xây dựng tình yêu, tình vợ chồng sau này. Những bài học về đã và đang đi vào thời khóa biểu của học sinh nhiều nước, hoàn toàn bình đẳng bên cạnh các giờ học các môn học khác.
Ở Việt Nam những bài giảng về giáo dục giới tính như thế vẫn còn lúng túng, ngần ngại. Việc tư vấn hầu như không có hoặc chính giáo viên cũng có những “né tránh” vấn đề này, chương trình dạy theo kiểu lồng ghép qua các môn khác như: văn học, giáo dục công dân, sinh học,....Vậy vì sao phải giáo dục giới tính cho trẻ, khi nào cần trang bị những kiến thức này cho trẻ và hậu quả của việc thiếu hiểu biết về giới tính sẽ ra sao?
Đưa giáo dục giới tính vào trong nhà trường.
Hệ lụy do thiếu hiểu biết
Một số hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra từ việc thiếu hiểu biết về giới tính:
Mang thai khi chưa đến tuổi: đó là nỗi kinh hoàng với các em gái vì các em chưa chuẩn bị tâm lý làm mẹ và nuôi con, có những em còn đang ngồi trên ghế nhà trường và dưới sự đùm bọc của bố mẹ thì làm sao có đủ tài chính và kinh nghiệm trong việc làm mẹ. Khi đã lỡ có thai, các em đứng trước sự lựa chọn khắc nghiệt: giữ thai hay phá thai để tránh tai tiếng. Việc có thai khi tuổi càng ít thì nguy cơ tiềm ẩn những biến chứng lúc sinh đẻ càng cao, các em chưa đạt được sự trưởng thành đầy đủ về mặt thể chất với xương chậu chưa đủ độ rộng để đầu thai nhi xổ, cuộc chuyển dạ kéo dài có thể gây chảy máu, trẻ bị ngạt và nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con rất cao. Viễn cảnh đen tối, bế tắc của việc làm mẹ “bất đắc dĩ” này là sự thiếu hỗ trợ về mặt tình cảm (bạn tình bỏ rơi, đôi khi là cả gia đình ruồng rẫy) và thiếu kinh tế để nuôi con. Một số em mang thai có thể đi đến hôn nhân một cách miễn cưỡng nhưng những cuộc hôn nhân này thường không mang lại hạnh phúc hoặc tan vỡ sau đó.
Nạo phá thai không an toàn: có nghĩa là khi thủ thuật này được thực hiện bởi những người không có nhiều kinh nghiệm và tại những cơ sở không có điều kiện tốt nên dễ để lại những hậu quả đáng tiếc. Thực tế cho thấy khi có thai các em thường không dám đến các cơ sở y tế tốt để phá vì sợ gặp người quen, mà thường đến chui ở những nơi thiếu thốn trang thiết bị, máy móc và con người. Việc nạo phá thai có thể để lại những nguy cơ rình rập như: thủng tử cung, nhiễm khuẩn huyết, chảy máu, viêm tắc vòi trứng gây vô sinh.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs): thanh thiếu niên có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh STDs vì tỷ lệ trẻ bước vào độ tuổi hoạt động tình dục sớm gia tăng và ít sử dụng các biện pháp phòng tránh. Nguy cơ bao trùm quan trọng để bị nhiễm bệnh là một người có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình đã từng quan hệ với nhiều người. Các em gái bị bóc lột hoặc lạm dụng tình dục có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Lạm dụng tình dục: là cụm từ trước đây dùng để chỉ hành vi tình dục của người lớn với trẻ em hay trẻ vị thành niên nhưng nó được hiểu là mọi hành vi tình dục không được xã hội văn minh chấp nhận vì phi đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục của cộng đồng. Lạm dụng tình dục bao gồm những ép buộc tình dục bằng những tác động tâm lý (như đe dọa, dùng quyền uy), dùng sức mạnh hay kinh tế hứa hẹn, lừa gạt để thỏa mãn ý muốn tình dục. Nạn nhân bị lạm dụng tình dục từ lúc nhỏ có thể dẫn đến rối loạn bản sắc giới tính và những hành vi tình dục bất thường sau này như nghiện tình dục hay chán tình dục. Mất lòng tin và sống cam chịu, coi mình không còn giá trị, sống buông thả là những đặc điểm tâm lý thường thấy ở những trẻ bị lạm dụng tình dục. Chỉ một lần bị lạm dụng tình dục cũng đủ gây ra những ảnh hưởng tâm lý kéo dài, nhất là nếu sau đó trẻ không nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng.
Khi nào nên bắt đầu giáo dục giới tính?
Đứng trước những hậu quả nặng nề trên chúng ta đặt ra câu hỏi nên giáo dục giới tính cho trẻ từ khi nào thì thích hợp? Nhiều ông bố bà mẹ biết rằng không nên để con cái mò mẫm tìm hiểu lấy chuyện tình dục, song lại không biết cách nói chuyện cũng như chỉ bảo cho con mình sao cho đúng. Trẻ em hiện nay trưởng thành sớm hơn trước nhiều. Một đứa trẻ lên 3 - 4 tuổi đã biết ý thức được bộ phận sinh dục của cơ thể và sự khác biệt giới tính. Lên 5, 6 tuổi chúng đã có những thắc mắc như “vì sao lại có em bé” và “trẻ được sinh ra ở đâu?”, trong khi chơi chúng cũng ưu tiên chơi với các bạn cùng giới hơn. Khi đó nếu không có những kỹ năng nhất định bạn sẽ thấy bối rối khi trả lời những thắc mắc của con mình. Thay vì câu trả lời bạn có thể hỏi lại trẻ “theo con nghĩ thì em bé được sinh ra như thế nào?” Việc lắng nghe trẻ nói sẽ giúp bạn biết được nhận thức của con đang ở mức độ nào, đôi khi chỉ cần một câu trả lời đơn giản cũng khiến trẻ hài lòng. Nếu như trẻ đã biết đọc, biết viết, chúng ta có thể mua một số sách về cơ thể con người, có tranh minh họa sẽ giúp cho việc giải thích của chúng ta được dễ dàng hơn. Khi học hết tiểu học trẻ phải được trang bị những kiến thức như sự khác nhau về giới tính giữa hai giới, trẻ em được sinh ra từ đâu. Có những trẻ dậy thì sớm, học đến lớp 5 các em đã bắt đầu có hiện tượng kinh nguyệt. Vì vậy trước đó trẻ cần được biết đây là hiện tượng sinh lý bình thường của người con gái khi bước vào tuổi dậy thì để tránh những hoang mang, bỡ ngỡ. Đồng thời trẻ cần được cung cấp những kiến thức về vệ sinh, cũng như khả năng thụ thai, các biện pháp phòng tránh thai và tránh bị xâm phạm tình dục.
Cha me cần biết chia sẻ những thắc mắc của con cái.
Mahatma Gandhi đã từng nói: “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và cũng không có người thầy nào tốt như cha mẹ”. Vì thế việc giáo dục giới tính cho trẻ nên được bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ, khi những thắc mắc về giới tính mới hình thành. Tùy vào từng độ tuổi, đối tượng và tính cách của mỗi trẻ mà chúng ta có cách nói chuyện, chỉ bảo. Cha mẹ cần biết cách chia sẻ những thắc mắc của con cái cũng như là chỗ dựa tinh thần cho con. Hành vi đánh đập, quát mắng con chỉ làm bạn xa con hơn và đẩy con đi sâu hơn vào những sai lầm.
Có một chủ đề đã được nêu ra: “Các em tuổi học trò mang thai vì thiếu hiểu biết về sinh lý và các biện pháp phòng tránh thai. Vậy hãy giúp các em hiểu rõ hơn và giải tỏa sự tò mò về sinh lý để các em phòng tránh thai hiệu quả, tránh những hậu quả xấu tương tự”. Ngay lập tức có ý kiến cho rằng làm như vậy có khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Ý kiến này khá thuyết phục các giới ngoài ngành y tế, họ cho rằng trẻ sẽ sớm biết và sẽ học theo những gì mình được học. Vì thế họ không bao giờ trao đổi với các em những vấn đề này hoặc là trả lời qua loa chiếu lệ. Họ không nghĩ rằng khi trẻ không được giải đáp thỏa đáng, chúng sẽ tăng tính tò mò, cũng vì tự mình tìm hiểu để thỏa mãn tính tò mò đó mà không ít những câu chuyện đau lòng đã xảy ra khi trẻ bước vào tình yêu, tình dục sớm. Thực chất, các vấn đề này trong nhà trường nên có những cuộc giao lưu, thảo luận công khai để giúp trẻ nhận ra mặt trái của vấn đề, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trẻ em như một nhành cây non dễ uống. Những người mà trẻ yêu quí và tiếp xúc thường xuyên trong gia đình có ảnh hưởng đặc biệt với chúng. Những ấn tượng trong tuổi thơ sẽ in sâu vào nhân cách của đứa trẻ. Những hành vi tích cực hoặc tiêu cực của con người ở tuổi trưởng thành có thể được lý giải bằng những ảnh hưởng, ấn tượng từ thời thơ ấu. Trẻ em trong xã hội hiện đại sớm phát triển về nhận thức hơn, trong đó có nhận thức về giới tính, bản năng tình dục cũng hình thành sớm hơn thế hệ trước. Nhưng sự chín chắn về mặt xã hội và tâm lý thì chậm hơn thế hệ trước. Ở đây nói tới sự chín chắn là sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động chứ không nói tới sự hiểu biết, vì rõ ràng rằng thế hệ ngày nay tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn, chỉ cần một cái click chuột máy tính là có thể thâu nhận được hàng loạt thông tin. Nhưng cũng chính biết nhiều, biết sớm đó và không được trang bị những kiến thức từ trước đã thúc đẩy tính tò mò của trẻ, chúng dễ bị sức ép của bản năng thôi thúc và chuyện tình dục cũng sớm xảy ra. Vì thế việc giáo dục tâm lý giới tính nên song hành cùng sự phát triển sinh lý.
Theo SKDS