Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

"Thủ phạm" gây lồng ruột ở trẻ em

 Bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng trong đó một khúc ruột di chuyển và chui vào lòng của khúc ruột khác. Khối lồng thường ngăn cản thức ăn và dịch di chuyển xuống phía dưới. Thành ruột ép vào nhau gây phù nề, viêm và giảm nguồn cung cấp máu tới phần ruột bị ảnh hưởng. Kết quả là ruột có thể bị nhiễm trùng, hoại tử và thủng.  

80% trường hợp lồng ruột xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là độ tuổi 5-10 tháng, bệnh hiếm gặp ở trẻ lớn. Lồng ruột thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn ở bé gái, với tỷ lệ 2:1. 

Nguyên nhân lồng ruột ở trẻ em

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, ở trẻ em, nguyên nhân gây lồng ruột còn chưa rõ ràng. Bệnh lý này thường xuất hiện nhiều hơn vào các mùa có dịch virus, vì vậy có ý kiến cho rằng lồng ruột liên quan tới các loại virus gây bệnh ở trẻ, trong đó có virus gây nhiễm khuẩn hô hấp như adenovirus.

Trong một số trường hợp, lồng ruột có thể xuất hiện sau một đợt viêm dạ dày đại tràng cấp tính. Vi khuẩn hay virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể làm phù nề các hạch bạch huyết ở ruột, gia tăng nhu động ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho lồng ruột.

Ở trẻ dưới 3 tháng hay trên 5 tuổi, lồng ruột thường liên quan nhiều tới các tổn thương thực thể như hạch bạch huyết sưng to, các khối u lành tính hoặc ác tính, dị dạng ruột (ruột đôi, túi thừa Meckel...).

Triệu chứng

Lồng ruột cấp ở trẻ bú mẹ

- Bé đang chơi đùa đột ngột lên cơn khóc thét, co đầu gối về phía ngực. Khi cơn đau dịu đi, bé thôi khóc và có vẻ ổn hơn. Cơn đau thường ngắt quãng nhưng sẽ lại xuất hiện, lần sau mạnh hơn lần trước, kéo dài hơn và khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng thu hẹp.  

- Bé mệt mỏi, nôn và bỏ bú.  

Sau 6 - 8 giờ kể từ cơn đau đầu tiên, có thể xuất hiện đại tiện ra máu tươi và chất nhầy.  

- Thấy có khối u cục bất thường ở bụng.   

Khi bệnh tiến triển, bé từ từ yếu đi và có thể xuất hiện sốt, một số trẻ có thể rơi vào tình trạng sốc, một số có biểu hiện thờ thẫn, li bì.  

 Lồng ruột bán cấp ở trẻ lớn (2-3 tuổi)

Biểu hiện bệnh ít rầm rộ hơn, cơn đau lâm râm dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa hoặc viêm hạch mạc treo. Biến chứng tắc ruột và hoại tử ruột ít khi xảy ra do búi lồng thường lỏng lẻo.           

Chẩn đoán 

Chẩn đoán lồng ruột chủ yếu dựa trên thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng:

- Khi khám ổ bụng, bác sĩ có thể sờ thấy búi lồng hình quả chuối di động và đau. Thăm trực tràng thấy máu dính găng tay.

- Siêu âm mặt cắt dọc thấy khối lồng có hình bánh mì sandwich (vùng giảm âm bao quanh vùng tăng âm) và mặt cắt ngang thấy hình bánh donut hay hình bia đạn (vùng ngoài giảm âm bao quanh vùng trung tâm tăng âm).

Biểu hiện nặng ở bệnh lồng ruột

- Lồng ruột không được phát hiện và xử lý sẽ tiến triển nặng dần lên.  

- Do ruột và mạc treo không cố định nên khối lồng tiếp tục tiến sâu dọc theo đại tràng.  

- Sự thắt nghẹt của mạc treo ở vùng cổ lồng gây thiếu máu đoạn ruột tương ứng: ứ trệ tĩnh mạch gây xuất huyết niêm mạc, dẫn tới đại tiện ra máu; tắc nghẽn động mạch dẫn tới hoại tử và thủng ruột, viêm phúc mạc nhiễm độc với tỷ lệ tử vong cao. 

Điều trị lồng ruột ở trẻ em

Khi kết luận trẻ bị lồng ruột, bác sĩ sẽ tiến hành tháo lồng bằng phương pháp không phẫu thuật. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là tháo lồng bằng hơi, tức là bơm hơi vào đại tràng qua hậu môn để đẩy khối lồng ra. Tỷ lệ thành công là hơn 90% nếu bệnh nhân đến sớm, chưa có biểu hiện rắc ruột hay hoại tử ruột.

- Nếu bơm hơi không thành công hoặc nguyên nhân lồng ruột là tổn thương thực thể thì cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ giải phóng phần ruột bị mắc kẹt, cắt bỏ poplyp hay khối u gây tắc nghẽn và nếu cần thì cắt bỏ phần mô hoại tử.

Theo vnmedia

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay