Trẻ con dễ bị ám ảnh bởi những nỗi sợ “ma”, bóng tối, quái vật hay bất cứ thứ gì bí ẩn. Có nhiều cách bố mẹ giúp con vượt qua nỗi sợ này.
1. Tìm hiểu nguyên nhân của nỗi sợ hãi
Theo chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, trẻ con luôn hứng thú tìm tòi và khám phá thế giới bằng lăng kính ngây thơ và tò mò. Đặc biệt, với trí tưởng tượng tuyệt vời, bé luôn có thể biến những thứ kỳ lạ mà bé nhìn hoặc nghe thấy được thành những hình ảnh đáng sợ lờn vờn trong trí óc. từ đó hình thành nên nỗi sợ hãi bóng tối, hay “con quái vật” đang ẩn nấp đâu đó do bé tự nghĩ ra.
Trẻ em tùy theo độ tuổi sẽ có những nỗi sợ khác nhau, vì thế không có biện pháp nào là tốt nhất, hiệu quả nhất. Muốn giúp bé vượt qua mọi căng thẳng, cha mẹ phải tìm ra biện pháp cụ thể dựa trên giai đoạn phát triển nhất định và khả năng vượt qua nỗi sợ của bé.
2. Tâm sự với con
Chia sẻ thẳng thắn luôn làm trẻ cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Hãy để bé nói về nỗi sợ hãi: Sợ điều gì, lý do tại sao, cảm giác như thế nào. Cha mẹ nên bày tỏ sự quan tâm thật sự đến những điều con nói. Tốt hơn nữa, kể cho bé về những nỗi sợ bạn từng gặp phải khi còn là một đứa trẻ. Sự đồng cảm này chắc chắn sẽ khiến con thêm tin tưởng rằng bạn luôn luôn quan tâm đến cảm xúc của bé.
3. Đừng ngó lơ khi con sợ
Nếu con bạn tỏ ra sợ hãi một người họ hàng thân thích, bảo mẫu hay một người hàng xóm nào đó, đừng lờ đi và cho rằng chẳng có gì nghiêm trọng. Bạn nên nói chuyện và để bé giải thích tại sao bé sợ họ. Cho dù bạn đinh ninh rằng họ sẽ không gây bất kỳ rắc rối nào cho con mình, song dưới lăng kính của trẻ con, có nhiều điều người lớn khó có thể thông suốt được.
4. Đừng cười nhạo nỗi sợ của trẻ
Trêu chọc khi trẻ sợ ma không hề khiến nỗi sợ vơi bớt mà còn khiến lòng tự trọng của bé vô tình bị tổn thương. Nghiêm trọng hơn, điều này còn dẫn đến nguy cơ bị ám ảnh lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Nỗi sợ chỉ có thể tan biến nếu bạn giúp con vượt qua bằng tình yêu thương và quan tâm. Sự thờ ơ sẽ chỉ thổi bùng những cảm xúc tiêu cực của trẻ lên thôi.
5. Đưa ra những lời khuyên đúng đắn
Các bậc cha mẹ không nên quát nạt khi trẻ tỏ ra rụt rè, lo lắng. Những câu nói ví dụ như “Lớn rồi mà còn sợ”, “Làm như còn nhỏ lắm” chỉ khiến trẻ tin rằng sợ hãi là một “sai lầm” nên sẽ giấu diếm, không chia sẻ với bạn nữa. Lời khuyên cho bạn là thẳng thắn với con rằng sợ một điều gì đó là chuyện hết sức bình thường. Con hoàn toàn có thể bộc lộ cảm xúc của mình và trông chờ sự giúp đỡ từ người lớn.
6. Đừng ép trẻ đối mặt trực tiếp với nỗi sợ
Bắt con phải ở ngoài tối một mình, đi lấy đồ vật lúc đêm khuya hay buộc con đi cùng người con cảm thấy sợ không phải là những biện pháp hiệu quả. Một khi cha mẹ bắt ép trẻ đối mặt trực tiếp với nỗi sợ khi chúng chưa sẳn sàng, nỗi sợ hãi sẽ tăng lên vùn vụt. Thay vào đó, hãy cho bé thời gian thích ứng dần dần. Một điều bạn có thể làm là luôn bên cạnh ủng hộ và giúp đỡ con.
7. Trở thành “siêu nhân” cho con học theo
Trẻ con luôn học theo gương của cha mẹ từ trong vô thức. Nếu bạn lo sợ về điều gì, vô hình chung con bạn cũng sẽ lo sợ về điều đó. Ngược lại, nếu bạn khiến con tin tưởng rằng trong nhiều tình huống nguy hiểm bạn vẫn luôn an toàn, trẻ cũng sẽ cảm thấy an tâm theo.
8. Không cho con xem những nhân vật đáng sợ trên sách báo, tivi
"Ốm yếu thì nên tránh ra gió". Trẻ con dễ dàng nhầm lẫn giữa thực tế và tưởng tượng. Đừng mở phim kinh dị trước mặt bé, không mua cho con những loại sách báo, truyện tranh có nhân vật ghê rợn. Ngoài ra, hãy kiên nhẫn giúp bé hiểu sự khác biệt giữa phim ảnh và thực tế bằng cách giải thích quá trình làm phim cũng như các thể loại hoạt hình trên tivi.
9. Đi “bắt quái vật” cùng con
Dắt con đi dạo vòng quanh sau nhà, phòng ngủ và bất kỳ nơi nào con cảm thấy sợ. Mở hết cửa, soi đèn dưới gầm giường để cho con thấy chẳng có gì dưới đó cả. Nếu con sợ bóng hình hoặc âm thanh gì đó không rõ, hãy cùng thảo luận và tìm hiểu cùng con xem thực chất đó là gì.
10. Nói đùa về những nỗi sợ
Hãy để trẻ tự miêu tả những con quái vật đang làm phiền bé, sau đó hài hước hóa chúng bằng những chi tiết gây cười. Có thể là con quái vật lởn vởn vì muốn đi nhờ nhà vệ sinh hoặc chúng không có ai chơi cùng. Bạn cũng có thể vạch một hàng rào quanh giường trẻ và nói rằng ma không thể nào vượt qua được hàng rào đó.
11. Luôn nhắc con rằng bạn luôn bên cạnh bé
Hãy luôn chắc chắn con bạn hiểu rằng bạn luôn ủng hộ và bảo vệ con trong mọi trường hợp. Cảm giác có "vệ sĩ đầy quyền năng" bên cạnh, trẻ sẽ thấy yên tâm hơn cho dù sự bảo vệ đó chủ yếu mang tính tinh thần.
Theo SKDS