Thịt thỏ chứa nhiều dinh dưỡng có hàm lượng protein như thịt bò, thịt dê, thịt lợn, nhưng ít chất béo, hàm lượng cholesterol thấp, có các nguyên tố và sinh tố cần cho cơ thể. Theo Đông y, thịt thỏ bổ trung, ích khí, kiện tỳ chỉ khái, lương huyết, giải độc. Gan thỏ: tác dụng bổ gan, làm sáng mắt, chữa choáng váng, mắt mờ có màng mộng, đau mắt do gan yếu. Tiết thỏ: tác dụng hoạt huyết lương huyết, chữa các chứng ngộ độc. Da lông thỏ (thỏ bì mao) đốt tồn tính rắc vết thương, vết bỏng... Dưới đây là một số thực đơn chữa bệnh có thịt thỏ:
Thịt thỏ nấu kỷ tử chữa đái tháo đường.
Thịt thỏ tiềm vỏ quít: thịt thỏ 200g, vỏ quít (trần bì) 8g. Thịt thỏ chặt miếng to, cho muối, dầu, sa lát, rượu, hành, gừng trộn đều, ướp trong 30 phút; vỏ quít ngâm rửa, thái lát. Đun sôi dầu rán, cho thịt thỏ vào rán vừa chín; tiếp tục cho vỏ quít, ớt tươi, gừng, hành vào xào với thịt thỏ, sau đó cho nước hàng (gồm mì chính, đường trắng, muối, mắm, giấm) đảo đều, đun đến khi thịt khô chuyển màu đỏ nâu sậm, đổ ra đĩa, gắp bỏ gừng hành, đổ ít dầu vừng lên. Dùng cho bệnh nhân sau thời kỳ bệnh nặng dài ngày cơ thể suy nhược, người có mỡ máu cao.
Chữa suy nhược cơ thể sau khi ốm, phụ nữ huyết hư, người gầy yếu: thịt thỏ 100 - 200g, đại táo 20g. Thịt thỏ chặt nhỏ bóp với ít gừng tươi giã nhỏ; đại táo xé. Hấp cách thủy hay nấu chín. Ăn nóng, ngày 1 lần.
Nước ép thịt thỏ: thỏ 1 con, lột da, bỏ lòng ruột, làm sạch, hầm lấy nước, để nguội. Uống khi khát. Dùng cho các trường hợp người ốm suy kiệt, tiểu đường, tiểu không cầm hoặc di niệu.
Chữa đái tháo đường: thịt thỏ 100 - 200g, kỷ tử 15g. Thịt thỏ chặt nhỏ, cho cùng với kỷ tử, đun nhỏ lửa với nước đến chín nhừ, thêm ít muối. Ngày ăn 1 lần; dùng nhiều ngày.
Thịt thỏ ăn thường ngày: thịt thỏ nấu ăn thường ngày, nấu dạng cari. Dùng cho bệnh nhân nôn ói trào ngược, táo bón.
Súp thịt thỏ bổ tỳ: thịt thỏ 200g, sơn dược 30g, câu kỷ tử 15g, đảng sâm 15g, hoàng kỳ 15g, đại táo 30g. Nấu dạng súp ăn. Dùng cho trường hợp suy nhược cơ thể.
Theo SKDS