Đôi khi, bạn sai lầm khi luộc rau và sử dụng rau luộc khiến cho tồn dư hóa chất trong rau vẫn còn, hoặc bạn đã biến nó thành “chất độc” trước khi sử dụng.
Luộc rau tưởng là công việc đơn giản nhất trên đời nhưng cũng đòi hỏi người thực hiện phải hiểu biết để luộc rau sao cho ngon mắt và giữ được đầy đủ chất dinh dưỡng.
Rất nhiều người mắc sai lầm khi luộc rau và sử dụng rau luộc.
Những sai lầm này từ chỗ không nghiêm trọng lắm tức là khiến cho rau trở thành vàng úa, không xanh tươi, ngon mắt… đến nghiêm trọng vừa phải nghĩa là bạn đã làm mất đi gần hết chất dinh dưỡng có trong rau.
Nhưng đôi khi, bạn cũng gặp phải sai lầm nghiêm trọng trong công việc luộc rau và sử dụng rau luộc khiến cho tồn dư hóa chất trong rau không được giải thoát, hoặc bạn đã biến nó thành “chất độc” trước khi sử dụng.
Hãy xem bạn có mắc phải những sai lầm dưới đây khi luộc rau và sử dụng rau luộc không nhé.
Tích trữ rau xanh quá lâu trước khi sử dụng:
Ngày nay, với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật ví dụ như tủ lạnh, bạn có thể dự trữ thực phẩm trong 1 thời gian dài để tiết kiệm thời gian đi chợ.
Tuy nhiên, với rau xanh thì bạn không nên tích trữ trong thời gian quá dài vì như vậy tức là bạn đã đánh mất gần như hết chất dinh dưỡng có trong nó.
Nhất là đối với những loại rau giàu vitamin C như rau ngót, rau cải, bạn chỉ cần để ở nhiệt độ 20 độ C trong vòng 1 ngày thì lượng sinh tố C sẽ bị hao tổn tới 84%.
Hãy hình dung nếu bạn để rau trong tủ lạnh cả vài ngày đến hàng tuần, chắc lúc đó bạn chỉ còn mỗi chất xơ để ăn thôi.
Nhặt bỏ lá rau trước khi luộc:
Nhiều bà nội trợ nghĩ rằng nhặt bỏ lá rau chỉ giữ lại gần như là thân rau non sẽ khiến món rau trở nên giòn, ngọt. Nhưng điều đó có nghĩa là bạn đang rất phí phạm bởi dưỡng chất của rau tồn tại trong bộ phận lá rất nhiều.
Chỉ rửa rau 3 nước :
Rất nhiều người vẫn giữ thói quen chỉ rửa rau 3 nước và nghĩ rằng như thế là sạch. Thực ra,cách rửa này chỉ đúng nếu rau của bạn chỉ có đất và tạp chất bẩn, còn nếu có cả hóa chất, chúng sẽ không được rửa trôi.
Cách an toàn và tích cực nhất hiện nay là bạn nên ngâm rau ít phút trong chậu nước lớn trước khi rửa. Nếu ngâm bằng nước vo gạo thì càng tốt vì nước vo gạo sẽ giúp bạn đánh bật một phần hóa chất trên bề mặt rau.
Cắt rau xong không luộc ngay:
Nếu bạn cắt nhỏ rau củ mà không luộc ngay tức là đang tạo điều kiện để các vitamin có trong rau bị oxy hóa gần hết.
Luộc rau ở nhiệt độ thấp:
Luộc rau không đủ lửa không chỉ khiến rau không giữ được màu xanh mát mắt, trở nên vàng vọt trông rất mất ngon mà còn khiến vitamin C và B1 bị bay hơi.
Chần rau xong mới luộc:
Nhiều người cẩn thận chần rau vào nước sôi rồi đổ nước đi, sau đó mới luộc rau ở một lần nước sôi mới. Điều này sẽ khiến rau mất đi phần lớn dưỡng chất và bạn sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng lẽ ra sẽ nhận được từ rau.
Đậy vung nồi khi luộc rau:
Đậy vung nồi khi luộc rau không hoàn toàn sai mà nó còn giúp bạn giữ lại dưỡng chất của rau.
Tuy nhiên, trong tình hình thực phẩm bị ô nhiễm nghiêm trọng, bạn nên đậy vung nồi cho đến khi nước trong nồi sôi mạnh trở lại sau khi đã cho rau để một phần hóa chất có thể theo hơi nước thoát ra ngoài.
Để rau luộc qua đêm rồi ăn lại:
Nếu bạn tiếc rẻ món ăn luộc vừa ngon vừa mát nhưng không ăn hết mà cất lại dù là trong tủ lạnh thì bạn đang biến nó thành chất độc.
Vì khi rau được để qua đêm, hàm lượng nitrate có sẵn trong rau sẽ biến thành nitrite - một chất gây ung thư cực kỳ có hại cho bạn.
Theo afamily.vn