Vi chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc và trí thông minh. Nhu cầu những chất này thường rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn và lại dễ bị thiếu trong chế độ ăn. Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ là chậm lớn, thấp bé, nhẹ cân mà luôn đi kèm với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt và thiếu iốt.
Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào ?
Vitamin A: Ngoài vai trò bảo vệ mắt, vitamin A còn giúp trẻ tăng trưởng, tăng sức đề kháng với bệnh tật… Thiếu vitamin A, trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu vitamin A là quáng gà, khô mắt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là mù lòa.
Cần bổ sung các thực phẩm đa dạng để đảm bảo đủ vi chất cho trẻ phát triển.
Sắt: Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng thường hay gặp nhất, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai, đặc biệt là các em gái tuổi dậy thì, là những đối tượng thường có nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng.
Iốt: Thiếu iốt dễ dẫn đến thiếu hormon gây ra nhiều rối loạn khác nhau, gọi chung là các rối loạn do thiếu iốt. Thiếu iốt ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, mẹ thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Thiếu iốt liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…
Kẽm: Thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh. Đặc biệt là các enzym cần thiết cho sự tổng hợp protein, axit nucleic cũng như sự tổng hợp bài tiết của nhiều hoóc môn tăng trưởng quan trọng khác. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ dễ mắc bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục.
Phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng
Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng chúng ta cần phải chú ý đến việc đa dạng hóa bữa ăn trong gia đình, biết lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn đủ nhu cầu năng lượng, ăn đủ rau và trái cây tươi, chú ý rau xanh đậm và củ quả vàng đậm, bổ sung kẽm bằng thực phẩm có nguồn gốc động vật và hải sản, thường xuyên dùng muối iốt trong ăn uống và chế biến thức ăn,…
Tác hại của việc thiếu máu dinh dưỡng đối với sức khỏe:
Đối với trẻ em: Chậm lớn, suy dinh dưỡng, kém thông minh, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy…c
Đối với phụ nữ có thai: Chậm phát triển bào thai, dễ bị đẻ non hay đẻ con thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con.
Đối với thanh thiếu niên và người lao động: Giảm thể lực, giảm khả năng học tập, giảm sự tập trung, chú ý, tăng rủi ro khi lao động, giảm sức đề kháng, giảm năng suất và ngày công lao động.
THeo SKDS