Trong y học cổ truyền, rối loạn giấc ngủ thuộc phạm vi chứng “thất miên” và tùy theo tính chất mức độ cụ thể mà được chia ra làm nhiều thể bệnh khác nhau. Bài viết này xin được giới thiệu với bạn đọc một số món cháo thuốc an thần để tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
Bài 1: Long nhãn 30g, hạt sen 30g, đại táo 5 quả, gạo nếp 60g, đường trắng lượng vừa đủ. Hạt sen bỏ tâm và vỏ, đại táo bỏ hạt, gạo nếp đãi sạch, tất cả đem nấu thành cháo, chế thêm đường trắng, ăn trong ngày. Công dụng: ích tâm an thần, dùng cho người bị mất ngủ kèm theo tình trạng mệt mỏi nhiều, hay có cảm giác khó thở, hồi hộp trống ngực, hay quên, thiếu máu, đại tiện lỏng nát. Trong bài, hai vị thuốc có tác dụng an thần là long nhãn và hạt sen. Long nhãn vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ tâm dưỡng huyết, sinh tân nhuận táo. Hạt sen có tác dụng bổ tâm ích trí, phối hợp với long nhãn có khả năng an thần bổ hư khá tốt.
Bài 2: Viễn chí 10g, toan táo nhân sao thơm 10g, gạo tẻ 50g, tất cả đem ninh thành cháo, ăn trong ngày. Công dụng: bổ can, dưỡng tâm, an thần. Trong bài, viễn trí vị cay đắng, tính hơi ấm, có công dụng trừ đàm khai khiếu và an thần. Các sách thuốc cổ như “Dược tính luận”, “Trấn nam bản thảo”, “Bản thảo tái tân”... đều cho rằng: viễn chí có khả năng bổ dưỡng tâm huyết, làm dịu trạng thái căng thẳng, hoảng hốt, cải thiện trí nhớ và an thần. Táo nhân vị ngọt, tính bình có công dụng bổ âm, dưỡng tâm, an thần và cầm mồ hôi, thường dùng trong các trường hợp mất ngủ do âm hư có kèm theo tình trạng vã mồ hôi hoặc ra mồ hôi trộm.
Bài 3: Bách hợp 10g, long nhãn 10g, a giao 6g, liên nhục 12g, hoài sơn 12g, mộc nhĩ trắng 6g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, tiểu mạch 12g, đại táo 5 quả bỏ hạt. Tất cả đem ninh nhừ thành cháo, ăn trong ngày. Công dụng: kiện tỳ hòa vị, dưỡng tâm an thần, dùng thích hợp cho những người mất ngủ do suy nhược thần kinh kèm theo các triệu chứng hay hồi hộp, lo lắng thái quá, giấc ngủ hay mê mộng, trí nhớ suy giảm. Nên dùng liên tục trong 1 tháng.
Bài 4: Tim lợn 1 quả, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Tim lợn rửa sạch, thái miếng, đem nấu với gạo thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng tâm an thần. Trong bài, tim lợn vị mặn ngọt, tính bình, có công dụng bổ tâm khí, an tâm thần, thường được cổ nhân sử dụng để chế biến các món ăn có tác dụng điều trị các chứng hồi hộp, mất ngủ, hay ngất, hoảng loạn, dễ đổ mồ hôi. Sách “Chứng trị yếu quyết” khuyên đối với những trường hợp mất ngủ do tâm hư có kèm theo tình trạng dễ đổ mồ hôi thì nên ăn nhiều cháo nấu tim lợn hoặc dùng tim lợn 1 quả, rửa sạch máu đọng, lấy nhân sâm và đương quy mỗi thứ 2 lạng ta cho vào trong quả tim rồi đem nấu chín rồi bỏ bã thuốc, ăn tim và uống nước cốt.
Bài 5: Dạ giao đằng 30g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 50g, đường trắng lượng vừa đủ. Sắc dạ giao đằng lấy nước nấu với gạo và đại táo đã bỏ hạt thành cháo, chế thêm đường, ăn trong ngày. Công dụng: dưỡng tâm an thần, thông lạc khứ phong. Trong bài, dạ giao đằng, còn gọi là thủ ô đằng, vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, khu phong trừ thấp, thường được dùng trong các trường hợp mất ngủ kèm theo triệu chứng bồn chồn, lo lắng, nhiều mộng mị, nhiều mồ hôi, tay chân đau mỏi rã rời. Loại cháo này ngoài công dụng dưỡng tâm an thần còn có công hiệu trong các trường hợp viêm khớp, đau dây thần kinh...
Theo SKDS