Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Gan bị thuốc tấn công thế nào?

 Khi sử dụng thuốc điều trị bệnh, nếu cả bác sĩ lẫn bệnh nhân không thận trọng trong việc chỉ định và dùng thuốc sẽ gây nên những tổn thương cho gan như viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính và xơ gan, bị thoái hóa mỡ, tạo u hạt ở gan, làm thương tổn mạch máu, u gan...

Viêm gan cấp tính :

Viêm gan cấp tính thường hay gặp nhất; thuốc có thể gây tác hại như: viêm gan cấp tính hoại tử, viêm gan cấp tính ứ mật và thể hỗn hợp.

Viêm gan cấp tính hoại tử có tổn thương chính là hoại tử tế bào gan, chủ yếu xảy ra ở vùng trung tâm tiểu thùy gan; có thể kèm theo thâm nhiễm viên khoảng cửa, đôi khi có thoái hóa mỡ. Tình trạng hoại tử tế bào càng nhiều thì bị suy gan càng nặng và có tiên lượng xấu. Triệu chứng lâm sàng được biểu hiện tùy thuộc vào tình hình bị tổn thương như: tăng đơn độc các men gan không vàng da, viêm gan có vàng da; có khi viêm gan xảy ra ở thể tiến triển đột ngột và bệnh cảnh lâm sàng rất nặng. Nếu người bệnh vẫn tiếp tục dùng thuốc thì bệnh có thể chuyển sang viêm gan mạn tính và bị xơ gan. Trong những trường hợp bệnh nhân không biết và lần sau lại tiếp tục dùng lại thuốc này thì dù sử dụng với liều lượng rất thấp cũng có thể xảy ra thể viêm gan tiến triển đột ngột trong bối cảnh rất nặng và dễ dẫn đến tử vong.

Viêm gan cấp tính ứ mật với tổn thương chính là ứ mật. Tình trạng ứ mật có thể xảy ra trong tế bào gan hoặc ứ mật trong các ống mật nhỏ; thông thường được thấy ở vùng trung tâm tiểu thùy gan; ít khi xảy ra hoại tử tế bào gan, nếu có thì cũng chỉ khu trú và nhẹ. Thực tế trên lâm sàng có hai thể bệnh là thể không vàng da và thể có vàng da. Triệu chứng vàng da sẽ hết dần khi được điều trị khỏi nhưng có khi kéo dài sau khi đã ngừng thuốc.

Thể hỗn hợp gồm có cả triệu chứng hoại tử tế bào gan và ứ mật, đây là thể thường gặp hơn trên lâm sàng. Các loại thuốc có thể gây nên thể hỗn hợp này là một số loại kháng sinh, các chất chống viêm không steroid... Diễn biến tiên lượng rất xấu nếu bị hoại tử nhiều tế bào gan.

Viêm gan mạn tính và xơ gan:

Tổn thương chính trong viêm gan mạn tính do thuốc là hoại tử tế bào gan và xơ hóa khoảng cửa. Thương tổn này xảy ra khi sử dụng các loại thuốc gây hoại tử tế bào gan trong thời gian lâu dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Thực tế tình trạng này ít khi xảy ra khi dùng loại thuốc đó từng đợt ngắn ngày và có thời gian ngắt quãng. Viêm gan mạn tính sẽ tiến triển dần dần sang biến chứng xơ gan.

Thoái hóa mỡ:

Tình trạng thoái hóa mỡ có ba dạng khác nhau tùy theo vị trí và chất mỡ trong tế bào gan.

Tế bào gan chỉ có một hốc khá to chứa chất mỡ triglycerid gồm thể đơn thuần như khi dùng thuốc corticoid hoặc thể phối hợp với hoại tử tế bào gan như trong một số trường hợp viêm gan cấp tính hoại tử.

Tế bào gan có nhiều hốc nhỏ chứa chất mỡ triglycerid, có thể có cả axít béo tự do gồm thể đơn thuần như khi dùng liều cao thuốc tetracyclin tiêm tĩnh mạch hoặc thể phối hợp với hoại tử tế bào như khi dùng thuốc có acid valproic... Loại thoái hóa mỡ này thường có suy tế bào gan.

Tế bào gan có nhiều hốc nhỏ chứa chất mỡ phospholipid như: khi dùng thuốc perhexilin, aminodaron... Loại thoái hóa mỡ này cũng có thể suy tế bào gan.

U hạt ở gan:

Thực tế một số loại viêm gan do thuốc có kèm theo u hạt trong gan, đó là những đám nhỏ tế bào dạng biểu mô có lympho bào bao quanh. Các u hạt có thể ở khoảng cửa hay trong tiểu thùy gan gồm có thể đơn thuần hoặc thể phối hợp với hoại tử tế bào gan, thoái hóa mỡ, ứ mật.

Tổn thương mạch máu:

Các thương tổn chính thưởng ở phía dưới gan, ở các xoang gan và ở phía trên gan.

Ở phía dưới gan có huyết khối tĩnh mạch cửa, tăng sinh nội mạc động mạch gan. Các loại thuốc ngừa thai sử dụng bằng đường uống có thể gây tổn thương gan theo cơ chế này và biểu hiện triệu chứng lâm sàng khá nghèo nàn.

Ở các xoang gan thấy có dấu hiệu giãn các xoang, trên lâm sàng thấy gan to, rối loạn chức năng gan kín đáo; thường gặp trong các trường hợp uống các loại thuốc ngừa thai. Đồng thời có thể thấy các xoang gan giãn rất rộng, ứ máu, tạo nên những túi phình vào trong các tiểu thùy gan; trên lâm sàng ghi nhận gan to, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, vàng da và suy tế bào gan; trường hợp này thường gặp khi dùng các loại thuốc steroid, người ghép thận dùng thuốc azathioprin và corticoid. Ngoài ra cũng có thể thấy xơ chung quanh xoang phối hợp với xơ khoảng cửa và quanh khoảng cửa nên thường được gọi là xơ gan - cửa; thể bệnh lý này thường gặp khi dùng vitamin A kéo dài, thuốc chống ung thư và ức chế miễn dịch.

Ở phía trên gan hay gặp bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch , thành các nhánh trong gan của các tĩnh mạch trên gan bị xơ dày dần, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu gây hoại tử trung tâm tiểu thùy gan. Hiện tượng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy tế bào gan kèm theo làm cho tiên lượng của bệnh rất nặng. Trường hợp này xảy ra khi chiếu tia xạ vào vùng gan hoặc chiếu toàn thân trước khi ghép tủy, dùng thuốc chống ung thư và một số thuốc ức chế miễn dịch. Ngoài ra cũng có thể gây hội chứng Budd-Chiari do huyết khối các tĩnh mạch lớn trên gan làm cản trở máu về tim và thường kèm theo hoại tử chảy máu trung tâm tiểu thùy gan. Triệu chứng lâm sàng giống như bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch gan, có gan to, cổ trướng, vàng da, đôi khi bị bệnh não do gan. Các nhà khoa học cảnh báo dùng các thuốc chống thụ thai bằng đường uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gấp 3 lần.

U gan:

Tình trảng u gan có thể xảy ra khi sử dụng một số loại thuốc và thường là u tuyến lành tính. Tần suất gây nên u gan lành tính bình thường thấp khoảng một phần triệu phụ nữ mỗi năm và gia tăng đối với các thuốc chống thụ thai dùng đường uống kéo dài, có khả năng tăng gấp 500 lần khi dùng thuốc trên 7 năm. Nếu ngừng uống thuốc thì khối u không phát triển và đôi khi bị thoái hóa.

Gan rất dễ bị tác động ảnh hưởng xấu của thuốc và thuốc đã trở thành một nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh lý về gan.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay