Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết sau khi tiếp nhận thông tin nông dân ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sử dụng loại thuốc trừ sâu cực độc có tên Aldicarb để sản xuất gừng, Cục Bảo vệ thực bật đã triển khai việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) với gừng nhập khẩu.
Cục đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra gừng Trung Quốc đang bán tại 10 chợ có quy mô lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong số 50 mẫu gừng được kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 mẫu gừng lấy tại chợ Bình Điền- TP Hồ Chí Minh có dư lượng Aldicarb là 0,06ppm. Mức này cao hơn so với mức quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (CODEX- 0.02ppm) và gấp 1,2 lần so với mức cho phép của EU và Nhật Bản (0.05ppm).
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Nguy cơ mất ATTP của gừng Trung Quốc hiện đang bán trên thị trường Việt Nam do chứa hoạt chất Aldicarb là không cao (xét cả về tỷ lệ mẫu có chứa dư lượng và mức dư lượng phát hiện thấy). Vì vậy, người tiêu dùng trong nước có sử dụng gừng cũng không nên quá lo lắng”.
Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người sử dụng gừng nên rửa sạch củ gừng và bóc kỹ vỏ củ gừng trước khi sử dụng.
Sau lần kiểm tra này, Cục Bảo vệ thực vật đã bổ sung Aldicarb vào danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm đối với gừng và các loại củ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam.
Lưu ý: Gừng Trung Quốc có kích cỡ to, thân tròn, trông mọng hơn gừng ta rất nhiều. Những củ gừng Trung Quốc nhìn vỏ rất sạch sẽ, sáng màu, mịn và dễ bóc. Trong khi đó, gừng ta thân nhỏ hơn, nhiều nhánh, vỏ hơi sần, màu sạm, nhiều đất bám xung quanh. Gừng ta rất thơm có hương vị cay đậm, đặc trưng, trong khi gừng Trung Quốc không thơm, cay nhẹ, phải cho rất nhiều vào món ăn mới thấy có mùi. Ngoài ra, khi bẻ đôi củ gừng thì gừng ta, màu sắc vàng tươi, có nhiều xơ và có đường vân tròn trong thân củ. Gừng của Trung Quốc có màu sắc nhạt hơn, ít xơ gân, đặc biệt là không có đường vân tròn trong củ.
* Aldicarb là một trong những hoạt chất thuốc trừ sâu độc hại nhất trong các loại hoát chất diệt côn trùng. Aldicard tồn tại rất lâu trong môi trường đất, nước, tiếp xúc với con người qua đường nước uống và lương thực, thực phẩm. Aldicard hấp thụ tốt qua đường ruột, da và khí quản. Cơ thể người bị phơi nhiễm Aldicard ở mức độ cao có thể gây co thắt phế quản, chảy nước miếng, teo đồng tử, co thắt ruột, tiêu chảy, buồn nôn và tim đập chậm.