Cách phòng chống và điều trị bệnh tả
Trong một số vụ dịch bệnh tiêu chảy cấp nhỏ rải rác, chúng ta thường dùng thuật ngữ "bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm" để nói đến bệnh tả. Bệnh do phẩy khuẩn tả có tên khoa học là Vibrio cholerae gây ra. Bệnh gây nôn và tiêu chảy nhiều lần nên bệnh nhân dễ bị mất nước và muối nặng, dẫn đến sốc và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ở nước ta vẫn có các trường hợp mắc bệnh rải rác ở các địa phương, nhất là vào mùa hè. Người mắc bệnh tả thường có các triệu chứng: sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy nhiều lần với khối lượng lớn. Tính chất phân: toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu. Bệnh nhân bị nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau nôn ra toàn nước.
Bệnh nhân thường không sốt, ít khi đau bụng. Nếu bị mất nước và muối nhiều, bệnh nhân mệt lả, dễ bị chuột rút. Trên thực tế, bệnh tả có 4 thể: thể không có triệu chứng, thể nhẹ giống tiêu chảy thường, thể cấp tính với triệu chứng nói trên và thể tối cấp: diễn biến nặng, ít nước tiểu, suy kiệt rất nhanh chỉ sau vài giờ và tử vong.
Điều trị: bồi phụ nước và điện giải bằng cách uống nước cơm, nước cháo, dung dịch orezol...; dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn tả; chú ý không được dùng các thuốc cầm đi tiêu.
Phòng bệnh: Phải cách ly bệnh nhân để tránh lây bệnh sang người khác; xử lý phân và chất thải của bệnh nhân bằng cloramin B 10% , tỷ lệ 1/1 hoặc vôi bột. Khử khuẩn quần áo, chăn màn, dụng cụ... bằng dung dịch cloramin B 1 - 2%, nước Javen 1 - 2% hoặc nước sôi. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, tiết canh, nem chạo, nem chua...
Theo SK&ĐS