Mày đay là bệnh mạn tính thường gặp và rất hay tái phát. Do nguyên nhân rất đa dạng nên việc xác định chẩn đoán đặc hiệu không phải dễ dàng và việc dùng thuốc điều trị cũng cần thận trọng và dựa vào nguyên nhân gây bệnh.
Biểu hiện của chứng mày đay.
Vì sao bệnh mày đay hay tái phát?
Nguyên nhân gây bệnh mày đay gồm nhiều yếu tố như áp lực, ánh sáng mặt trời, viêm mao mạch, mày đay nhiễm sắc trong bệnh tăng Mastocyt, đôi khi không rõ nguyên nhân như trong mày đay tự phát hoặc phù mạch thần kinh di truyền. Các dạng mày đay thường gặp như thời tiết nóng - lạnh; do tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Với dạng mày đay này, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các sẩn phù nề đỏ hoặc tái, ngứa ở những vùng da để hở, tiếp xúc với nguyên nhân. Mày đay do tiết cholin thường xuất hiện sau khi luyện tập, lao động ra mồ hôi. Triệu chứng thường thấy là các sẩn phù nề có thể kèm theo chảy nước mắt, tiết nước bọt, đi ngoài phân lỏng, nếu nặng có thể bị sốc phản vệ... Do có quá nhiều nguyên nhân gây bệnh nên bệnh mày đay rất dễ tái phát, trong đó có nguyên nhân thời tiết, thức ăn, môi trường và cả việc dùng thuốc.
Các thuốc gây nên bệnh mày đay có thể kể đến như: penicillin, salicylat, vaccin, huyết thanh... Các loại thức ăn dễ gây nổi ban mày đay bao gồm các loại giàu protein như tôm, cua, nhộng tằm. Các hóa chất như chất nhuộm màu thực phẩm hoặc chất nhuộm màu công nghiệp cũng có thể gây phát ban mày đay. Môi trường nhiều khói bụi, nấm mốc, phấn hoa... đều là những căn nguyên cho bệnh mày đay dễ tái phát.
Một số nghiên cứu còn đưa ra bằng chứng về sự liên quan giữa nhiễm ký sinh trùng Toxocare sp và bệnh mày đay tái phát.
Việc chẩn đoán đặc hiệu dựa vào việc tiến hành các test bì như test áp, prick-test, định lượng IgE đặc hiệu, test kích thích đường uống...
Điều trị bằng thuốc gì?
Việc điều trị để làm hết các sẩn mày đay không khó, nhưng cần phải điều trị làm sao để vừa khỏi bệnh mà còn dự phòng bệnh tái phát. Do đó, việc điều trị phải dựa trên chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, cần phải biết tiền sử dị ứng của bệnh nhân và gia đình để biết được một số nguyên nhân gây nên bệnh mày đay là gì và dựa vào đó để loại trừ căn nguyên rồi mới kết hợp dùng thuốc.
Kháng histamine thế hệ 1 là sự lựa chọn ưu tiên trong điều trị mày đay. Các thuốc thường được sử dụng trong phù Quincke hoặc phù mạch thần kinh di truyền là Danazol... Tiên lượng bệnh tùy thuộc vào từng loại tổn thương và mức độ tổn thương.
Một số trường hợp bệnh mày đay mạn tính có thể sử dụng doxepin là thuốc chống trầm cảm 3 vòng, dùng điều trị ngứa trong bệnh mày đay vô căn do lạnh, làm giảm đau và ngứa tạm thời. Tuy nhiên, đây là thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn như gây ngủ, độc cho tim, tăng cân, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, đặc biệt ở người cao tuổi, khó tiểu tiện, tăng nhãn áp nên cần lưu ý và thận trọng trong chỉ định và bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình dùng thuốc.
Thuốc được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, với người cao tuổi nên dùng liều thấp và tăng liều một cách từ từ tới khi đạt hiệu quả để tránh nhiễm độc. Thuốc chống chỉ định với các trường hợp mới bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch bởi thuốc làm tăng nguy cơ loạn nhịp, suy tim sung huyết, bloc nhĩ thất, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Các bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, bệnh glôcôm, bệnh ở tuyến giáp, suy chức năng gan - thận cũng chống chỉ định với thuốc này.
Corticoid được chỉ định cho hội chứng mày đay có phù mạch, tăng bạch cầu toan máu. Nhóm thuốc leukotrien như montelukast cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp mày đay có hen suyễn. Nhóm thuốc cyclosporine được dùng trong những trường hợp mày đay mạn tính nặng để ức chế lympho T và ức chế hoạt động của basophil và mastocyte. Nhóm thuốc methotrexate được sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị với cyclosprorin. Thuốc danozol được chỉ định trị liệu dài ngày trong mày đay phù mạch di truyền. Omalizumab là kháng thể đơn dòng kháng IgE, có tác dụng làm giảm sản sinh IgE và làm giảm các thụ thể của IgE trên màng tế bào mast và bạch cầu ái toan. Oxyhives là một loại thuốc mới cũng có tác dụng khá hiệu quả trong điều trị bệnh mày đay mạn tính.
Với các trường hợp ban mày đay mạn tính có liên quan đến ký sinh trùng Toxocara sp sử dụng phác đồ điều trị bằng kháng histamine mequitazine kết hợp với albendazole cũng kết quả khả quan.
Theo SKDS