Đau cổ gáy là bệnh hay gặp trên lâm sàng, bệnh liên quan đến bệnh lý đốt sống, cơ, mạch máu, thần kinh vùng cổ.
Day huyệt phong phủ
Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và hiện nay gặp cả ở người trẻ, nhất là những nhân viên văn phòng do làm việc nhiều với máy tính lâu và trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ... Với các nguyên nhân thường gặp như sau: nằm sai tư thế, gối đầu quá cao bị nhiễm máy lạnh đột ngột chấn thương; thoái hóa - thoát vị đĩa đệm cột sống cổ…
Xoa bóp - bấm huyệt vùng cổ gáy
Tư thế người được xoa bóp: nằm sấp.
Tư thế người xoa bóp(thầy thuốc): đứng phía sau hoặc một bên bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật.
Kỹ thuật thao tác:
Xoa xát vùng vai: hai tay áp sát cổ đưa qua vai úp bàn tay hất lên suốt từ cổ đến vai. Có thể xoa xát với bột talc hay dầu bôi trơn.
Miết: dùng các đầu ngón tay miết từ mỏm vai lên cổ và miết cạnh hai bên cột sống
Day cơ
Bóp nắn cơ: dùng tay bóp nắn cơ, cơ thang, cơ denta, cơ ức đòn chũm, các cơ quanh cột sống cổ.
Nhào cơ: dùng 2 tay véo cơ lên và nhào các cơ lớn như cơ thang, cơ denta, cơ ức đòn chũm.
Day cơ: dùng gốc bàn tay day các cơ trên vai, động tác nhẹ.
Lăn: vùng tam giác Phong trì, Đại chùy, Kiên tĩnh.
Ấn day điểm đau nhất: tìm và day ấn điểm đau, chú ý cự án hay thiện án mà day ấn từ nhẹ đến nặng thích hợp.
Day ấn huyệt: Phong phủ, Phế du, Đốc du, Phong trì, Đại chùy, Kiên tĩnh...
Vận động khớp cổ: quay cổ, nghiêng cổ, ngửa cổ, tổng hợp các động tác…
Bóp vai: bóp huyệt Phong trì, bóp gáy, bóp vai, vờn vai.
Xát cơ: dùng 2 bàn tay mô ngón út và ngón cái sát các cơ trên vùng vai đến gáy và ngược lại.
Rung cơ: dùng tay áp xát vào cổ rung với tần số cao từ cổ đến vai 2 bên.
Xoa bóp vùng cổ gáy từ 20 - 25 phút mỗi ngày, làm từ 3 - 5 ngày là được.
Tập luyện vùng cổ
Động tác ưỡn cổ:
Nằm ngửa thẳng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên. Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản bằng cách hít thêm, đồng thời dao động vai qua lại 4 lần, thở ra triệt để ép bụng, nghỉ, hạ vai xuống. Làm lại từ 3 - 5 lần. Động tác này có tác dụng: tập các cơ phía sau lưng, tập cột sống trong vùng giữa 2 xương bả vai và vùng cổ không cho cứng, dao động qua lại để tăng công hiệu động tác, làm cho khí huyết lưu thông, làm cho ấm vùng cổ, gáy, lưng trên, ra mồ hôi, chống thấp khớp, trị cảm cúm, chữa chứng đau cổ gáy, cải thiện hen suyễn.
Động tác xem xa, xem gần:
Ngồi hoa sen, hai bàn tay đan vào nhau và để trước bụng dưới, mắt nhìn vào ngón tay.
Đưa hai tay lên trời mắt vẫn nhìn vào một điểm cố định của bàn tay, đồng thời hít vào tối đa; giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại từ 2 - 6 cái, thở ra triệt để, hạ tay xuống trước bụng, mắt vẫn nhìn theo tay; nghỉ. Làm từ 3 - 5 lần. Có tác dụng: luyện mắt và các khớp chi trên, tập vùng lưng trên.
Động tác đầu sát giường lăn qua lăn lại:
Tư thế ngồi hoa sen, đầu cúi sát giường, hai tay để lên hai đầu gối. Hít vào tối đa, giữ hơi (hít thêm để mở thanh quản) đồng thời lăn đầu qua lại từ 2 - 6 cái, mỗi lần lăn qua một bên cố gắng ngó lên trần nhà, thở ra triệt để.
Làm từ 3 - 5 lần. Động tác này nhằm tập cột sống vùng cổ, và các khớp khác: khớp háng…, trị đau lưng, cổ, đau các khớp chi dưới. Người có cao huyết áp không nên tập động tác này.
Những điều cần chú ý:
Xoa bóp bấm huyệt làm trong giai đoạn có tê, đau, khó chịu, cứng khớp vùng cổ gáy có hiệu quả tốt
Trong giai đoạn ổn định nên tập 3 động tác trên thường xuyên, trong tập luyện chú ý “tập đều chớ không tập nhiều”, ngày 2 buổi tập sáng, tối với số lần tập của 3 động tác từ 10 - 15 lần là được.
- Day huyệt Phong phủ
- Day cơ
- Lăn cơ
- Động tác ưỡn cổ
- Động tác đầu sát giường, lăn qua lăn lại
- Động tác xem xa, xem gần
Theo SKDS