Mơ còn có tên mai. Mơ xanh gọi là thanh mai, khi ngâm rượu gọi là thanh mai tửu. Mơ muối gọi là diêm mai hay bạch mai. Ô mai là mơ có màu đen. Diêm mai, bạch mai miền Nam quen với tên “xí muội” và rất được chị em ưa thích. Trong thịt quả mơ có nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin A và vitamin C, acid citric, đường, chất nhầy, muối khoáng. Đông y gọi quả mơ là mai tử, vị chua, tính bình. Mai tử vào các kinh can, tỳ, phế, đại tràng. Bạch mai có tác dụng cân bằng sự thẩm thấu giữa tế bào và máu, kích thích ăn ngon. Sau đây là một số cách dùng quả mơ làm thuốc.
Ô mai mơ trị ho có đờm, nôn.
Ho lâu ngày: bạch mai 20g, cát cánh 10g, mạch môn 10g, cam thảo 5g, trần bì 10, hoàng kỳ 20g, 2 bát nước sắc còn 1/2 bát, chia 2 lần uống trong ngày.
Đái tháo đường, không tự chủ được tiểu tiện: bạch mai, thục địa, hoài sơn, đan phiến, ngũ vị tử. Mỗi loại 10g, nhục quế 2g. Sắc uống.
Sỏi mật, viêm đau túi mật: bạch mai, cam thảo chế, kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim. Mỗi loại 15g sắc uống.
Đi lỏng dài ngày do tỳ hư: bạch mai, bạch truật, kha tử, đảng sâm, mỗi loại 10g sắc uống.
Ra mồ hôi trộm: bạch mai, hoàng kỳ, ma hoàng căn, đương quy. Mỗi loại 10g sắc uống.
Miệng khô khát phiền nhiệt: bạch mai, thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc. Mỗi loại 6g sắc uống.
Tẩy giun đũa: bạch mai 10g, xuyên tiêu 6g, gừng 3 lát sắc uống.
Chữa răng đau nhức: quả mơ chín giã nát xát vào răng.
Giải say rượu dùng mơ nấu với trà uống (rất hay).
Mụn cóc (hạt cơm) trên da. Bạch mai 30g ngâm nước muối 24g (bỏ hạt) ít giấm nghiền mịn đắp lên mụn cơm.
Nước mơ quả chín tươi pha đường hoặc nước mơ ngâm đường pha nước uống giải khát rất tốt, tăng sức bền bỉ, chống mệt mỏi, ăn ngon miệng.
Rượu mơ cũng có tác dụng giúp ăn ngon tiêu cơm, thịt, chất béo và tăng thị lực. Dùng nó vào bữa cơm với 1 chén con 25-30ml. Rượu mơ xanh, tán hàn, ấm vị, chữa kém ăn, bụng có giun.
Rượu thanh mai (mơ xanh) chữa phong thấp nôn mửa, đau bụng, phòng cảm nắng nóng, ra mồ hôi tay chân (trong uống ngoài xoa bóp).
Mơ chế thành rất nhiều loại mứt, kẹo ăn, ngậm cho thơm miệng, khi bị ngứa họng, buồn nôn, ho, có đờm.
Theo SKDS