Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Viêm tai

Viêm tai là một thuật ngữ chung để chỉ tình trạng viêm của hệ thống thính giác ngoại vi. Có nhiều loại viêm tai khác nhau phụ thuộc vào phần nào của tai bị viêm (tai ngoài, tai giữa hay tai trong) và nguyên nhân gây bệnh do đâu. Viêm tai thường gặp ở trẻ em hơn ở người lớn, gây đau nhức khó chịu, giảm thính lực và có thể gây viêm xương chũm thậm chí gây viêm não, màng não.

Tai được cấu tạo như thế nào?

Hệ thống thính giác là cơ quan có chức năng tiếp thu cảm nhận âm thanh. Thính giác bao gồm hệ thống thính giác ngoại vi và hệ thống thính giác trung tâm. Thính giác ngoại vi chịu trách nhiệm tiếp nhận âm thanh và chuyển đổi nó thành các xung điện có thể gửi được đến não thông qua các dây thần kinh thính giác. Thính giác ngoại vi là tai được chia thành ba phần: tai ngoài, gồm loa tai, ống tai và mặt ngoài màng nhĩ. Tai giữa bắt đầu từ mặt trong màng nhĩ, 3 xương nhỏ (xương búa, xương đe và xương bàn đạp) và vòi Eustache (vòi nhĩ -là một ống nhỏ nối tai giữa với họng có tác dụng cân bằng áp lực hai phía màng nhĩ). Tai giữa, có chức năng chuyển đổi năng lượng âm thanh thành năng lượng cơ học, khuếch đại âm và truyền vào tai trong. Tai trong nằm tiếp theo tai giữa, là bộ phận duy nhất của tai có chứa dịch, bao gồm ốc tai hình xoắn ốc và hệ thống tiền đình (dây thần kinh thính giác). Tai trong, thực hiện công việc chuyển đổi cuối cùng biến năng lượng cơ học âm thanh thành các xung điện để tín hiệu âm thanh theo các dây thần kinh truyền dẫn lên não bộ. Hệ thống thính giác trung tâm bao gồm khoảng 30.000 tế bào thần kinh được tạo thành dây thần kinh thính giác và có nhiệm vụ truyền xung điện đến vùng não bộ dành riêng cho việc xử lý tín hiệu âm thanh.

Viêm tai
Nội soi chẩn đoán bệnh tai.

Viêm tai do đâu?

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm của ống tai ở phần có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Viêm tai ngoài không chỉ gặp ở trẻ em mà cả người lớn. Các nguyên nhân chính gây viêm tai ngoài có thể do vi khuẩn thâm nhập vào da của ống tai qua một vết xước hoặc vết thương, côn trùng cắn, vết bỏng, vết nứt bị nhiễm khuẩn, hoặc ở người bị bệnh chàm hay vảy nến. Loại nhiễm khuẩn này thường là hậu quả của việc dùng nhiều vật cứng sắc, nhọn khác nhau để làm sạch hoặc gãi tai. Nếu tai bị ẩm ướt, bị đọng nước trong một thời gian dài, mắc bệnh chàm hoặc vảy nến là những nguy cơ gây viêm ống tai ngoài. Viêm tai ngoài thường gây ngứa rất nhiều và đau dữ dội trong ống tai. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tai có thể bị tấy đỏ, bị sốt và chóng mặt.

Viêm tai giữa cấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, bệnh xảy ra đột ngột và rất đau nhức. Loại viêm tai này thường xảy ra sau khi mắc bệnh cúm hoặc cảm lạnh. Vi khuẩn và virus di chuyển dễ dàng từ họng lên tai giữa qua vòi Eustache gây viêm tai giữa cấp tính. Nhiễm trùng này thường gặp ở trẻ em do trẻ có vòi Eustache ngắn hơn. Việc thay đổi áp suất khi đi máy bay hoặc khi lặn có bình khí nén cũng có thể kích hoạt viêm tai giữa. Viêm tai giữa cấp thường có các triệu chứng xảy ra đột ngột đau nặng trong tai, sốt, giảm thính lực và có cảm giác như tai bị nghẽn, cáu kỉnh, ngủ không ngon, nôn và tiêu chảy có thể dẫn đến mất thính lực. Sự tích tụ của mủ trong tai giữa làm gia tăng áp lực lên màng nhĩ và gây ra cơn đau dữ dội. Viêm tai giữa cấp nếu không được điều trị đầy đủ có thể đưa tới biến chứng nghiêm trọng như thủng màng nhĩ hay viêm mạn tính, tái diễn thường xuyên và kéo dài.

Viêm tai trong là trường hợp hiếm gặp nhất của viêm tai nhưng có thể dẫn đến tổn thương không thể hồi phục được như mất thính lực ít hay nhiều. Viêm tai trong có thể do viêm tai giữa cấp không được điều trị đúng dẫn đến viêm tai giữa mạn, dị ứng hoặc do mắc các loại nhiễm khuẩn toàn thân khác (viêm màng não, viêm xoang,…).

Phòng bệnh và điều trị viêm tai thế nào?

Ở trẻ nhỏ, do cấu trúc trong tai vẫn chưa hoàn chỉnh, vòi nhĩ ngắn, dễ bị viêm mũi họng, viêm VA… sẽ là đối tượng rất dễ mắc bệnh viêm tai giữa vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Bệnh viêm tai giữa có thể gây nên biến chứng nguy hiểm khó lường nếu không được điều trị sớm. Trẻ đang ở giai đoạn học nói nếu mắc bệnh sẽ bị ảnh hưởng làm chậm quá trình học nói, chậm quá trình phát triển ngôn ngữ dẫn tới ảnh hưởng phát triển trí thông minh. Khi vùng mũi họng bị viêm (niêm mạc mũi họng dày lên, VA sưng to…) gây tắc cửa vòi nhĩ làm áp suất trong hòm nhĩ (tai giữa) tăng lên gây sự tiết dịch các tế bào niêm mạc hòm nhĩ gọi là viêm tai giữa tiết dịch. Ngoài ra, vì vòi nhĩ ở trẻ em ngắn và rộng hơn ở người lớn nên vi khuẩn, virus vùng mũi họng dễ đi theo đường vòi nhĩ gây viêm tai giữa nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus với giai đoạn đầu là sự tiết dịch ở hòm nhĩ. Viêm tai giữa tiết dịch nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn là viêm tai giữa tụ mủ, nếu tiếp tục không điều trị sẽ gây viêm tai giữa thủng nhĩ… Viêm tai giữa mủ xuất hiện khi trẻ bị viêm mũi họng không được điều trị đúng, tần suất viêm tai giữa hay xuất hiện vào những lúc thời tiết thay đổi, nhất là nhiệt độ chuyển từ nóng sang lạnh, ô nhiễm không khí. Trẻ đang chảy mũi vàng xanh, ngạt tắc mũi đột nhiên xuất hiện đau nhói trong tai, đau lan từ tai lên thái dương hoặc xuống họng. Có thể sốt hoặc không sốt tùy phản ứng của cơ thể trẻ (với trẻ suy dinh dưỡng thường không có sốt), trẻ kêu trong tai có tiếng ù, sức nghe giảm. Đây chính là giai đoạn xung huyết đã nói, ở giai đoạn này nếu được điều trị tích cực, kịp thời, mủ trong tai giữa chưa kịp hình thành thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Nếu giai đoạn này bị bỏ qua, mủ bắt đầu xuất hiện. Lúc này dấu hiệu đau nhức tăng lên đi cùng với sốt tăng. Màng nhĩ bị đẩy phồng do mủ đọng, có thể vỡ, mủ tai được giải phóng thoát ra ngoài. Nếu màng nhĩ không vỡ, mủ đọng trong tai giữa có thể biến chứng vào não gây viêm màng não, liệt mặt… Nếu mủ trong tai giữa không được giải phóng ra khỏi hòm nhĩ sẽ để lại di chứng làm dính chuỗi xương con nằm trong hòm nhĩ để lại hậu quả là sức nghe giảm dần, màng nhĩ bị co kéo, có thể tạo ra chất gọi là cholesteatoma, một loại chất có thể phá hủy xương, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng…

Điều trị đối với các thể, loại viêm tai là việc rất quan trọng và phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Đối với loại viêm tai cấp tính, bác sĩ có thể cho dùng thuốc nhỏ tai, thuốc giảm đau hạ sốt, kháng viêm, có thể phải dùng kháng sinh trong một số trường hợp cần thiết và có thể đặt một ống nhỏ qua màng nhĩ để dẫn lưu mủ. Điều đặc biệt cần lưu ý trong điều trị là không phải trường hợp nào trẻ bị viêm tai giữa cũng được chỉ định dùng kháng sinh. Kháng sinh chỉ được dùng trong một số trường hợp nếu chẩn đoán chắc chắn có nhiễm khuẩn hoặc bệnh ở mức độ nặng, các trường hợp khác thì điều trị triệu chứng và theo dõi sau 2 ngày nếu bệnh không đỡ mới dùng kháng sinh.

Về phần cha mẹ, người chăm sóc bé, giáo viên nếu thấy bé có hiện tượng nghe kém hơn trước, khó chịu, quấy khóc nên cho bé đi khám ở bác sĩ tai mũi họng, cho thử test kiểm tra thính lực và nhĩ lượng. Để phòng bệnh viêm tai giữa tiết dịch nên giữ gìn vệ sinh vùng mũi họng. Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chữa dứt điểm các bệnh đường hô hấp, tránh để vi khuẩn lây lan lên tai. Bên cạnh đó cần cải thiện môi trường sống của trẻ, đi bơi thì cần chọn những nơi nước tương đối sạch, nên trang bị mũ và nút tai dành cho trẻ. Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau thì nên đi khám. Cần giữ ấm cho trẻ nhỏ, tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh, tránh xa môi trường có khói thuốc lá hoặc không khí bị ô nhiễm. Trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật vì thế không nên cho trẻ cai sữa sớm, cho trẻ bú tới khi nào trẻ không bú nữa mới thôi, nếu không có điều kiện thì cần cho trẻ bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu. Đặt trẻ ngồi cao khi bú bình, không cho ngậm bình sữa khi ngủ để tránh sữa chảy vào tai. Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, giữ vệ sinh cho trẻ luôn sạch sẽ nhất là bàn tay, mũi họng. Dùng tăm bông thấm sạch tai nếu tai trẻ bị dính nước, có thể dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lí vệ sinh tai, mũi cho trẻ, nhưng sau đó phải dùng tăm bông sạch thấm khô tai tránh việc tích tụ nước gây viêm nhiễm.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay