Viêm da dị ứng là biểu hiện của dị ứng ở da, có yếu tố di truyền và đáp ứng quá mức đối với các kháng nguyên trong môi trường. Bệnh hay gặp khi thời tiết chuyển mùa và ở người có bệnh sử cá nhân hay tiền sử gia đình về các chứng bệnh dị ứng có liên quan như hen suyễn, hoặc do tiếp xúc với các chất, bụi, phấn hoa, cánh bướm, thực phẩm lạ... là tác nhân gây dị ứng. Vì do nhiều nguyên nhân gây bệnh nên việc điều trị rất khó khăn.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm da dị ứng là một bệnh phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó vai trò của gen tương tác với yếu tố môi trường là cơ chế bệnh sinh chính của bệnh. Các dị nguyên không khí như bọ nhà, lông chó, lông mèo, nấm mốc và một số dị nguyên thức ăn được nghiên cứu là những dị nguyên đóng vai trò chủ yếu trong các đợt cấp của bệnh, đôi khi có bội nhiễm vi khuẩn chủ yếu là chủng tụ cầu vàng.
Khi bị viêm da dị ứng cần đi khám chuyên khoa da liễu.
Dấu hiệu nhận biết
Mặc dù vị trí có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể nhưng viêm da dị ứng xuất hiện thường xuyên nhất trên bàn tay và bàn chân, ở mặt trước của khuỷu, phía sau đầu gối, và trên mắt cá chân, cổ tay, mặt, cổ và ngực. Tại vùng da bị tổn thương màu đỏ đến nâu - xám màu nơi bệnh lui. Ngứa, có thể nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm. Vùng da có thể rỉ dịch khi trầy xước và nứt hoặc có vảy da. Viêm da dị ứng cũng có thể ảnh hưởng đến da quanh mắt, bao gồm cả mí mắt. Gãi có thể gây tấy đỏ và sưng quanh mắt. Đôi khi, cọ xát hoặc gãi trong khu vực này gây loang lổ lông mày và lông mi.
Viêm da dị ứng thường bắt đầu ở trẻ em trước 5 tuổi và có thể kéo dài vào tuổi trưởng thành. Đối với một số trường hợp, bệnh phát định kỳ và sau đó sẽ giảm trong một thời gian, thậm chí lên đến vài năm rồi lại tái phát.
Đối tượng nào dễ mắc?
Viêm da dị ứng khá phổ biến, đặc biệt ở các nước khí hậu khô, các nước có nền công nghiệp đang phát triển. Những năm gần đây viêm da dị ứng ngày càng tăng tại Việt Nam. Viêm da dị ứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu khởi phát ở trẻ em, 45% trẻ em khởi phát bệnh trước 6 tháng tuổi, 60% trước 1 tuổi và 85% trước 5 tuổi, chỉ có khoảng 16,8% khởi phát muộn ở tuổi trưởng thành. Không có sự khác biệt nhiều về giới và chủng tộc, tuy nhiên khác nhau ở các khu vực địa lý do sự khác nhau về điều kiện môi trường.
Chẩn đoán thế nào?
Viêm da dị ứng là bệnh viêm da mạn tính khó chẩn đoán do tính đa dạng về mặt lâm sàng. Wiliams và cộng sự đã đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán dựa trên các đặc điểm lâm sàng chính của bệnh và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới như: ngứa kết hợp với từ 3 tiêu chuẩn sau trở lên; tiền sử có các tổn thương da ở mặt trước khuỷu tay, kheo chân, mặt trước mắt cá chân hoặc vùng quanh cổ, mắt; tiền sử hen phế quản, sốt mùa; tiền sử khô da; khởi phát bệnh sớm trước 2 tuổi; khám thấy tổn thương da điển hình vùng má, trán và mặt ngoài tay chân ở trẻ em dưới 4 tuổi.
Về điều trị có khó?
Hội Dị ứng miễn dịch châu Âu và Hội Dị ứng - Hen phế quản Mỹ vừa đưa ra hướng dẫn điều trị theo các bước điều trị từ bước 1 đến bước 4 tùy theo mức độ nặng của bệnh. Các thuốc sử dụng điều trị viêm da dị ứng bao gồm: thuốc bôi corticosteroid, ức chế calcineurin, doxepin, kem kháng sinh khi có bằng chứng bội nhiễm, sử dụng tia UV với liều điều trị, thuốc uống kháng histamin, kháng sinh nếu tình trạng bội nhiễm nặng không kiểm soát được bằng kháng sinh tại chỗ. Thuốc ức chế miễn dịch đường uống như corticosteroid, cyclosporine A, azathioprine, điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên khi có các bệnh phối hợp như hen phế quản, viêm mũi dị ứng. Trong trường hợp bệnh nhân nặng không kiểm soát được bằng một loại thuốc đơn độc, bệnh nhân sẽ được chỉ định liệu pháp điều trị kết hợp nhiều thuốc.
Tuy nhiên, việc điều trị viêm da dị ứng còn nhiều khó khăn và cần phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp như tư vấn bệnh nhân và gia đình nhằm nâng cao sự hiểu biết của bệnh nhân trong việc kiểm soát các yếu tố làm nặng bệnh.
Khi mắc bệnh, bệnh nhân phải nâng cao sự hiểu biết về bệnh viêm da dị ứng để tránh các nguy cơ làm bệnh nặng lên. Viêm da dị ứng là bệnh không chữa khỏi được, chỉ có thể kiểm soát triệu chứng nên bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Hằng ngày, bệnh nhân cần vệ sinh môi trường sống, xây dựng chế độ ăn giàu dưỡng chất, không hút thuốc lá, rượu bia, không mặc quần áo có chất liệu tổng hợp, len, nên sử dụng sữa tắm trung tính, nước tắm có độ nóng vừa phải để duy trì lớp bảo vệ sinh lý có tính acid của da. Chăm sóc da bằng kem dưỡng ẩm, cũng như để bảo vệ da khỏi sự tác động của các dị nguyên.
Đối với cha mẹ khi thấy con nhỏ có các dấu hiệu ngứa nhiều, kèm ban đỏ có thể có kèm bong da hoặc mụn nước ở vùng trán, má hoặc da đầu, cổ, cánh tay, chân nên đưa con tới khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo SKDS