Nhưng theo TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, nhiễm giun kéo dài có thể gây thiếu máu, thiếu sắt và các bệnh lý về gan, phổi, ảnh hưởng về lâu dài đối với sức khoẻ con người. Vì vậy, mỗi người nên tẩy giun 6 tháng/1 lần, kể cả người lớn. Còn ở trẻ em thì từ 2 tuổi trở lên mới cho tẩy giun.
Khi sử dụng thuốc tẩy giun phải theo chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất khi đến định kỳ tẩy giun, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định loại thuốc, liều thuốc, thời điểm uống cho phù hợp.
Trước đây, người ta thường nhịn đói để uống thuốc, nhưng với một số thuốc tẩy sán thì nhịn đói uống có thể tăng tác dụng, còn với những thuốc tẩy giun thông thường tốt nhất nên uống sau khi ăn.
Sau khi dùng thuốc trẻ có thể bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua. Những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số ít trẻ có các triệu chứng dị ứng, phát ban, nổi mề đay. Khi đó cần đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ tư vấn à có hướng xử lý phù hợp.
Người đang bị sốt, bị viêm họng, viêm gan, viêm thận, bệnh cấp và mãn tính thì không nên dùng thuốc tẩy giun. Phụ nữ có thai cũng không nên dùng thuốc tẩy giun.
Bên cạnh việc dùng thuốc tẩy giun đúng cách cần tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện đúng quy trình làm sạch thực phẩm trong quá trình chế biến; rau quả cần được ngâm với nước muỗi loãng; đồ ăn phải được nấu chín để hạn chế mầm bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Theo Vnmedia