Biểu hiện lâm sàng: bệnh nhân có những triệu chứng đi tiêu phân nhầy lẫn máu kèm cảm giác mót rặn và đau bụng quặn từng cơn. Bệnh thường kéo dài và hay tái phát. Chẩn đoán dựa vào việc khảo sát phân để tìm amip hoặc làm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán amip. Chụp đối quang kép hoặc nội soi đại tràng sinh thiết có thể thấy được những hình ảnh tổn thương loét đặc hiệu ở đại tràng giúp cho chẩn đoán.
Khi được chẩn đoán xác định là mắc lỵ amip, bạn sẽ được chỉ định điều trị bằng một trong các thuốc nhóm imidazole (metronidazole, tinidazole, ornidazole) hoặc nhóm di-iodohydroxyquinolin.
Viêm đại tràng do lao (lao ruột)
Thường thứ phát sau lao phổi (50% bệnh nhân lao ruột có hình ảnh lao khi chụp Xquang phổi). Cũng có thể gặp lao ruột nguyên phát do bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn lao qua đường ăn uống. Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào từng vị trí bị tổn thương.
Thể loét tiểu tràng, đại tràng: Bệnh nhân đau bụng nhiều, sốt cao, tiêu chảy kéo dài; Bụng hơi to, có nhiều hơi, sờ bụng không thấy gì đặc biệt. Phân loãng, mùi hôi thối, màu vàng, có lẫn mủ, nhầy và ít máu; Suy kiệt nhanh, xanh xao, biếng ăn. Có bệnh nhân sợ ăn vì ăn vào thì lại đau bụng, tiêu lỏng; Thể to - hồi manh tràng: Bệnh nhân hết đại tiện lỏng lại đại tiện, phân lẫn máu nhầy mủ, không bao giờ phân bình thường. Nôn mửa và đau bụng. Khám hố chậu phải thấy u mềm, ấn đau di động ít; Thể hẹp ruột: Sau khi ăn thấy đau bụng tăng lên, đồng thời bụng nổi lên các u cục và có dấu hiệu rắn bò. Sau khoảng 10-15 phút, nghe có tiếng hơi di động trong ruột và cảm giác hơi đi qua chỗ hẹp, có dấu hiệu Koenig. Khám bụng ngoài cơn đau không thấy dấu hiệu gì.
Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong phân. Xquang và nội soi đại tràng sinh thiết cho thấy những hình ảnh tổn thương và tìm tế bào điển hình của lao.
Chủ yếu là điều trị nội khoa, theo phác đồ của lao. Ngoài chế độ dùng thuốc, cần kết hợp chế độ ăn giàu đạm và sinh tố, kết hợp các thuốc điều trị triệu chứng. Chỉ đặt vấn đề điều trị ngoại khoa khi có biến chứng thủng ruột hoặc tắc ruột.
Viêm đại tràng màng giả
Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn C.difficile là loại vi khuẩn thường trú ở ruột, bình thường không gây bệnh nhưng do sử dụng kháng sinh dài ngày gây loạn khuẩn ruột. Bệnh diễn tiến mạn tính gây những tổn thương màng giả ở đại tràng, làm bệnh nhân tiêu chảy nước hoặc có lẫn máu, kèm theo sốt và triệu chứng nhiễm độc do độc tố vi khuẩn. Chẩn đoán dựa vào cấy phân tìm vi khuẩn, nội soi đại tràng kèm sinh thiết.
Để điều trị, trước hết cần ngưng sử dụng những kháng sinh không cần thiết, dùng vancomycin 125mg x 4 lần/ngày hay metronidazole (flagy) 250mg x 4 lần/ngày trong 10 ngày.
Viêm loét đại tràng vô căn
Bệnh không tìm thấy nguyên nhân như vi khuẩn, ký sinh trùng nấm hay nhiễm virut ở đại tràng. Nguyên nhân có thể liên quan đến những rối loạn miễn dịch và xảy ra trên những bệnh nhân bị stress nặng. Triệu chứng bao gồm đau quặn bụng từng cơn, phân nhầy máu kèm sốt, sụt cân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng đau do viêm các khớp hoặc viêm đốt sống. Bệnh có thể diễn tiến thủng ruột hoặc phình đại tràng và ung thư hóa. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào nội soi đại tràng và sinh thiết. Về điều trị, cần cho bệnh nhân ăn thức ăn dễ tiêu, tránh sữa, dùng các thuốc chống tiêu chảy. Đôi khi cần phải dùng thêm thuốc ức chế miễn dịch.
Khi xảy ra biến chứng xuất huyết ồ ạt, nhiễm độc hoặc thủng đại tràng, cần phải mổ cấp cứu. Chỉ định cắt toàn bộ đại tràng khi sinh thiết đại tràng thấy có tình trạng loạn sản hoặc không đáp ứng điều trị.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, viêm đại tràng mạn tính còn có thể gặp trong các bệnh như bệnh Crohn, viêm đại tràng trên bệnh nhân bị AIDS, viêm trực tràng do Chlamydia, do lậu, viêm hậu môn - trực tràng do Herpes simplex virus, viêm đại tràng sau xạ trị vùng bụng và chậu... Việc chẩn đoán và điều trị viêm đại tràng do những nguyên nhân trên thường rất khó khăn và phức tạp. Để chẩn đoán xác định viêm đại tràng mạn tính, ngoài việc dựa vào triệu chứng lâm sàng, cấy phân thì nội soi đại trực tràng kèm theo sinh thiết là điều kiện bắt buộc và là tiêu chuẩn vàng. Tùy theo nguyên nhân mà có thuốc điều trị đặc hiệu khác nhau, ngoài ra còn dùng thêm các thuốc giảm đau, chống co thắt... Bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần đến các cơ sở y tế khám và có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
BS. Bạch Đằng