Men gan tăng cao là dấu hiệu của nhiều bất ổn trong cơ thể như viêm gan cấp, viêm gan mạn tính giai đoạn hoạt động, tắc đường mật, viêm tụy…
Nếu không được kiểm soát kịp thời, nồng độ men quá cao sẽ làm cho bệnh nặng hơn, người bệnh có nguy cơ giảm tuổi thọ, thậm chí tử vong. Vậy làm thế nào để phòng và điều trị hiệu quả tình trạng men gan tăng cao?
Thế nào là men gan cao?
Gan là một cơ quan chống độc của cơ thể, mọi chất độc khi vào cơ thể đều được xử lý ở gan. Tế bào gan luôn chịu tác động của những tác nhân độc hại. Men gan là một loại enzim nằm trong tế bào gan.
Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì có một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40UI/L (chỉ số này gần như cố định ở người bình thường). Men gan bình thường có các chỉ số sau: AST: 20 - 40 UI/L, ALT: 20 - 40 UI/L, GGT: 20 - 40UI/L, phosphatas kiềm: 30 - 110 UI/L. Khi cao hơn các chỉ số này gọi là men gan cao. Vì một nguyên nhân nào đó như uống nhiều bia rượu, nhiễm virut, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc hạ mỡ máu… làm cho các tế bào gan bị tổn thương, bị hủy hoại sẽ giải phóng men vào máu. Khi đó xét nghiệm sẽ thấy men gan cao.
Những người mắc bệnh về gan hạn chế uống các loại nước ngọt có gas, rượu, bia...
Nguyên nhân gây men gan cao
Tăng men gan thường gặp ở người bị viêm gan hoặc các bệnh lý khác của bệnh gan do dùng một số thuốc làm tăng men gan, người uống rượu, bia.
Viêm gan: Viêm gan do bất kỳ nguyên nhân nào cũng làm cho men gan tăng cao đột biến nhưng viêm gan do các nhóm virut như A, B, C, E, D có mức độ tăng rất cao và thường gây ra tình trạng viêm cấp tính.
Tổn thương gan do virut là loại tổn thương rất nguy hiểm vì sau khi virut xâm nhập tế bào gan chúng sinh sản rất nhanh, rất mạnh và phá hủy tế bào gan mà chúng xâm nhập càng lớn, cho nên lượng men gan giải phóng ra càng nhiều. Chính vì thế, trong các trường hợp viêm gan cấp tính hoặc viêm gan tối cấp hoặc ung thư gan thì lượng men gan tăng nhanh một cách đột biến có khi lên tới 5.000 U/l.
Uống rượu, bia: Rượu, bia là nguyên nhân thường gặp trong các trường hợp tăng men gan, đặc biệt là rượu, nó hủy hoại tế bào gan, từ đó men gan tăng lên. Lượng men gan tăng ở người uống rượu, bia tùy thuộc vào liều lượng và chất lượng của rượu, bia. Thông thường khi lượng men gan tăng do rượu thì loại AST thường tăng cao 2 - 10 lần trong khi đó lượng ALT tăng ít.
Bệnh sốt rét: Trong bệnh sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính, men gan cũng có thể tăng cao vì khi đó các tế bào của gan và thận đều bị tổn thương.
Bệnh về đường mật: Men gan cũng có thể tăng trong các bệnh về đường mật như bệnh viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi đường mật trong gan, teo đường mật bẩm sinh hoặc áp-xe gan.
Ngoài ra, trong một số bệnh lý khác như do ứ sắt, viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non hay khi dùng một số thuốc để điều trị một bệnh nào đó, chẳng hạn thuốc điều trị bệnh lao cũng gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tế bào gan, gây ngộ độc tế bào gan hoặc làm viêm gan cấp tính. Trong trường hợp dùng thuốc hạ mỡ máu cũng có thể làm tăng men gan nhưng khi ngừng uống thuốc thì men gan trở về chỉ số bình thường.
Những chỉ số trong men gan dự báo nguy hiểm
Men gan cao phản ánh tình trạng tế bào gan đang bị tổn thương, gan đang bị viêm. Nếu men gan tăng nhẹ dưới 2 lần thì người bệnh hầu như chưa có biểu hiện triệu chứng gì, nếu không đi xét nghiệm thì không biết được.
Ở giai đoạn này nếu sử dụng bia rượu nhiều thì rất nguy hiểm vì lượng acetaldehyt là chất độc được sản sinh ra khi sử dụng bia rượu sẽ phá hủy tế bào gan rất mạnh, có thể tế bào gan bị hủy hoại hàng loạt gây viêm gan cấp, hôn mê gan, nguy hiểm đến tính mạng. Mặc khác, men gan cao nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, thậm chí gây ung thư gan.
Chỉ số AST và ALT trong men gan cao dự báo sẽ giảm dần tuổi thọ, tăng tỷ lệ tử vong từ 21 - 78%. Nếu chỉ số AST tăng gấp đôi thì sẽ tăng 32% nguy cơ tử vong, nếu tăng hơn gấp đôi thì nguy cơ tử vong sẽ lên đến 78%. Khi chỉ số ALT gấp đôi sẽ tăng 21% nguy cơ tử vong và khi tăng hơn gấp đôi, nguy cơ sẽ là 59%.
Phòng và điều trị men gan cao
Để phòng và điều trị men gan tăng cao, cần bảo vệ tốt lá gan bằng việc áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý, hạn chế sử dụng rượu bia, và các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, thuốc lào, không ăn da, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tránh các gia vị cay nóng.
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng, không nên thức khuya, không nên làm các công việc nặng nhọc nhiều.
Tuy nhiên, vào thời điểm Tết nhiều tiệc tùng, chúc tụng, việc sử dụng bia rượu là không thể tránh khỏi. Vì vậy, với những người đã có tiền sử tăng men gan, cần đi xét nghiệm, kiểm tra lại chỉ số này để có hướng điều trị và dự phòng phù hợp.
Với những người có nguy cơ tăng men gan (thường là những người uống rượu bia nhiều, thừa cân, béo phì…), cần đặc biệt chú ý: Hạn chế uống rượu bia tối đa trong mỗi bữa tiệc bởi có thể “tích tiểu thành đại” mà chỉ nên nhấp môi; nên ăn nhiều rau củ, hành tỏi trong bữa tiệc…
Theo SKDS