Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Bệnh Parkinson hay run do tuổi già?

Tuổi già sức yếu tay run, chồn chân mỏi gối là những gì chúng ta hay nghĩ đến. Tuy nhiên có một căn bệnh xảy ra ở người cao tuổi, cũng gây run nhưng ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của người mắc bệnh, gia đình và xã hội, đó là bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn vận động tiến triển và mạn tính tác động mạnh mẽ đến bản thân và gia đình của người bệnh. Bệnh Parkinson làm suy yếu nghiêm trọng khả năng vận động của người bệnh. Khởi đầu là run khi nghỉ, một bên trước và dần dần sẽ run cả hai bên. Điều này giúp chúng ta phân biệt được với run do tuổi già là run ngay cả khi hoạt động và run đều 2 bên. Dần dần, triệu chứng  dẫn đến đơ cứng cơ, bất động và cuối cùng là rối loạn phản xạ tư thế. Giai đoạn muộn của Parkinson, bệnh nhân trở nên tàn phế, người bệnh hoàn toàn kiệt sức. Họ trở nên chậm chạp và khó tập trung, ngay cả khi ra khỏi giường vào buổi sáng cũng sẽ trở thành một thử thách. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh Parkinson có thể bao gồm trầm cảm và suy giảm nhận thức.

Bệnh Parkinson hay run do tuổi già?
Não bình thường và  não của bệnh nhân Parkinson

Có nhiều người mắc bệnh không?

Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh thường gặp sau bệnh Alzheimer, ảnh hưởng gần 1% dân số trên 60 tuổi. Ở Việt Nam không có con số thống kê chính xác nhưng tại Mỹ con số này ước tính lên đến 1 triệu người. Tuổi cao là yếu tố nguy cơ cao của bệnh Parkinson. Khoảng 15% bệnh nhân được chẩn đoán trước 50 tuổi nhưng phần lớn trường hợp mới mắc bệnh xuất hiện trong khoảng từ 50 đến 70 tuổi. Ngoài ra có thể kể đến việc tiếp xúc với chất độc môi trường, cơ địa di truyền và các stress về cảm xúc là những yếu tố nguy cơ của bệnh này.

Diễn tiến bệnh như thế nào?

Giai đoạn 1: bệnh chỉ ảnh hưởng một bên cơ thể.

Giai đoạn 2: bệnh gây ảnh hưởng 2 bên cơ thể nhưng không gây rối loạn thăng bằng.

Giai đoạn 3: mất ổn định tư thế, dễ té ngã nhưng tự đi lại được.

Giai đoạn 4: di chuyển hạn chế với sự giúp đỡ.

Giai đoạn 5: không đứng được, kể cả khi có sự giúp đỡ (tàn phế).

Nếu không điều trị, từ khi phát hiện bệnh đến khi tàn phế hoàn toàn khoảng 7 năm, nhưng nếu được điều trị thì thời gian này có thể kéo dài đến 14 năm và tuổi thọ trung bình của bệnh nhân sẽ tăng khoảng 5 năm.

Gánh nặng cho gia đình và xã hội

Trong khi hầu hết các bệnh nhân bị bệnh Parkinson vẫn duy trì được sự  độc lập cho phần lớn cuộc sống của họ, thì một số có thể phải nghỉ hưu sớm. Với tình trạng cử động dần xấu đi, họ ngày càng trở nên phụ thuộc vào các thành viên trong gia đình. Do đó, cả bệnh nhân, gia đình, bạn bè, và người chăm sóc cũng trải qua rất nhiều căng thẳng về tâm lý và tài chính. Các gia đình có thể bị buộc phải xem xét việc sử dụng các cơ sở điều dưỡng, nhất là khi khả năng vận động và chức năng nhận thức giới hạn đòi hỏi phải có sự chăm sóc chuyên nghiệp và toàn thời gian.

Người ta ước tính, năm 2002 chi phí trực tiếp cho bệnh Parkinson tại Mỹ khoảng 14,9 tỷ USD trong khi chi phí gián tiếp lên đến 23 tỷ USD. Con số chi phí gián tiếp này năm 2040 có thể lên đến 50 tỷ USD. Các chi phí gián tiếp bao gồm tổn thất do mất khả năng lao động, chi phí người thân phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh. Người ta cũng tính được rằng bệnh nhân có các dao động thì đắt hơn 2,7 lần trong việc điều trị thuốc và đắt hơn 7,3 khi tính các chi phí khác.

Điều trị bệnh ra sao?

Nhìn chung bệnh nhân bệnh Parkinson được xử trí theo 3 cách: điều trị không dùng thuốc, điều trị dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật.

Điều trị dùng thuốc

Liệu pháp levodopa: bệnh nhân sẽ được điều trị bằng levodopa trong giai đoạn sớm mới phát hiện. Các triệu chứng gần như khỏi ngay lập tức sau khi điều trị bằng levodopa và đây là thời kỳ “trăng mật”  giữa người bệnh với levodopa. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 5 năm thì người bệnh bắt đầu  có hiện tượng dao động vận động, bao gồm các hiện tượng: “tắt dần” (người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng vào cuối liều thuốc uống), chậm hiệu quả, thất bại liều, bất động buổi sáng hoặc những biến chứng không dự đoán được. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị loạn động, người bệnh sẽ có những hành động kỳ quặc không kiểm soát được như múa giật, múa vung ở đầu cổ, tay hoặc chân.

Liệu pháp phối hợp thuốc ức chế COMT (Entacapone) hoặc đồng vận levodopa: để giải quyết các biến chứng vận động sau thời kỳ “trăng mật” với levodopa, bệnh nhân sẽ được sử dụng thêm carbidopa và entacapone hoặc các đồng vận levodopa như bromocriptin hoặc pramipexole.

Điều trị không dùng thuốc

Cùng với điều trị dùng thuốc, bệnh nhân Parkinson cần có điều trị bổ sung nhằm xử trí hiệu quả các triệu chứng của bệnh và duy trì chất lượng cuộc sống. Một số điều trị bổ sung bao gồm: giáo dục bệnh nhân, tư vấn, trị liệu lời nói, vật lý trị liệu và trị liệu nghề nghiệp.

Giáo dục bệnh nhân: giúp bệnh nhân hiểu rõ bệnh của mình cũng như học cách kiểm soát nó. Bệnh nhân sẽ được cung cấp loại và mức độ thông tin cụ thể cho từng người và từng giai đoạn bệnh của họ. Ví dụ các thông tin cơ bản sẽ được phổ biến cho các bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi họ bắt đầu gặp phải các biến chứng tiềm ẩn của bệnh, khi bệnh tiến triển, họ sẽ được hướng dẫn các vấn đề như là làm sao giải quyết các khó khăn, trục trặc trong sinh hoạt hàng ngày. Có rất nhiều tài liệu về bệnh Parkinson có sẵn cho bệnh nhân trên internet, tài liệu y khoa và các sách được viết cho cộng đồng.

Hỗ trợ: một khi xác định chẩn đoán bệnh Parkinson, bệnh nhân và các thành viên trong gia đình, bạn bè của bệnh nhân sẽ trải qua nhiều phản ứng khác nhau. Bệnh nhân và gia đình của họ cần phải đương đầu với các cảm xúc tức giận, tội lỗi, đau buồn, phủ nhận và  oán giận. Như vậy việc thảo luận với bệnh nhân và gia đình của họ cũng như là các nhóm hỗ trợ có thể rất có ích. Điều quan trọng là bệnh nhân cần giao lưu với những bệnh nhân khác cũng bị bệnh Parkinson. Giữ liên lạc với những người bệnh nhân khác thông qua các nhóm hỗ trợ ở địa phương giúp cho có sự hỗ trợ về mặt tâm lý cần thiết và cũng có thể cung cấp cho bệnh nhân những thông tin có ích và thiết thực. Nếu việc chung sống với bệnh Parkinson trở nên quá áp lực đối với bệnh nhân đến nỗi kỹ năng đương đầu bị quá tải, việc tham vấn với các chuyên gia về bệnh mạn tính có thể có ích cho bệnh nhân.

Tập luyện: sẽ không làm dừng lại được tiến triển của bệnh. Tuy nhiên nó có thể cải thiện tính tình của bệnh nhân và giúp duy trì  sự vận động. Các chế độ tập luyện nên kết hợp các bài tập về sức căng, thể dục nhịp điệu và kéo căng để cải thiện về sự mềm dẽo và sức mạnh. Các bài tập này có thể giúp bệnh nhân đương đầu với các vấn đề mà họ chắc chắn sẽ đối mặt trong các giai đoạn sau của bệnh.

Dinh dưỡng: chế độ ăn thích hợp là rất quan trọng đối với bệnh nhân bệnh Parkinson vì họ có nguy cơ cao bị dinh dưỡng kém, giảm khối cơ và mất cân do bệnh nhân khó sử dụng khay thức ăn và nhai nuốt thức ăn. Do đó nên đảm bảo đủ chất xơ và dùng đủ nước có thể giúp ngăn ngừa táo bón và các thức ăn giàu calcium là quan trọng để duy trì mật độ xương. Ở giai đoạn sau của bệnh có thể cần tránh các thức ăn giàu protein bởi vì việc dùng protein có thể cản trở việc hấp thu levodopa.

Bệnh Parkinson hay run do tuổi già?
Nếu không được điều trị bệnh nhân có thể bị tàn phế

Trị liệu lời nói: trị liệu lời nói có thể giúp ích cho bệnh nhân bệnh Parkinson có lời nói líu nhíu và nhỏ do rối loạn vận ngôn và rối loạn phát âm. Khi bệnh nhân bắt đầu mất kiểm soát cơ cần thiết để tạo ra lời nói và âm thanh rõ ràng, lời nói của họ có thể trở nên lầm bầm. Trị liệu lời nói cung cấp thực hành và huấn luyện trong việc kiểm soát âm thanh và có thể tăng cường âm lượng của lời nói. Trị liệu lời nói cũng giúp bệnh nhân giải quyết chứng khó nuốt, một tình trạng mà khoảng một nửa số bệnh nhân bệnh Parkinson mắc phải.

Vật lý trị liệu: vì bệnh nhân bệnh Parkinson bị bất động kéo dài, họ cần cố gắng duy trì hoạt động. Vật lý trị liệu là để giảm té ngã cho bệnh nhân và dạy bệnh nhân cách đứng lên nếu họ bị té ngã. Massage và điều trị bằng nhiệt có thể cải thiện sự phối hợp của bàn tay, cải thiện đi lại, điều chỉnh tư thế bất thường và giảm đau cứng cơ.

Trị liệu cơ năng: trị liệu nghề nghiệp có thể hỗ trợ bệnh nhân chống lại sự bất động tại nhà. Đặc biệt là họ có thể giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày sau đây: cung cấp các thiết bị riêng biệt hay chọn lựa chế độ ăn thích hợp để giúp bệnh nhân ăn uống, kỹ thuật mặc quần áo (ví dụ: mặc áo có dây kéo thay vì cài nút, giày sử dụng băng keo dính thay vì dây buộc), lắp đặt tay vịn ở nhà tắm, lắp đặt các vật dụng xung quanh nhanh nhà để bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được sử dụng như là chọn lựa điều trị cứu cánh cuối cùng cho những bệnh nhân bị run mất chức năng mà không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc những bệnh nhân có tác dụng phụ không dung nạp được do levodopa liệu pháp. Có 3 loại phẫu thuật chủ yếu trong bệnh Parkinson: phẫu thuật thần kinh bằng kỹ thuật 3 chiều (hủy cầu nhạt hay hủy đồi thị), kích thích não sâu (DBS), ghép mô thần kinh bào thai vào thể vân.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay