I. Cườm nước là gì?
Cườm nước là bệnh của thị thần kinh, tức là thần kinh truyền những hình ảnh từ mắt lên đến não. Thị thần kinh được cấu tạo bởi rất nhiều sợi thần kinh (giống như một sợi dây điện chứa rất nhiều các sợi đồng nhỏ). Khi sợi thẩn kinh bị thương tổn sẽ sinh ra những điểm không sáng (ám điểm) những ám điểm này thường không được nhận biết cho đến khi thị thần kinh bị thương tổn nhiều. Nếu toàn bộ thị thần kinh bị hủy hoại thì lúc đó sẽ bị mù (Tương tự như khi một sợi dây đồng trong một dây điện bị hư thì đèn vẫn sáng, nếu toàn bộ sợi dây điện bị hư thì đèn sẽ tắt)
Phát hiện và điều trị bệnh sớm là mấu chốt để tránh cho thị thần kinh bị thương tổn và bị mù do cườm nước. Cườm nước là một trong những nguyên nhân gây mù lòa nhiều nhất trên toàn thế giới đặc biệt là những người lớn tuổi. Tuy nhiên mù do cườm nước thường có thể phòng ngừa được nếu điều trị sớm
II. Cái gì sinh cườm nước:
Một loại dịch trong suốt được gọi là thủy dịch lưu thông ở phẩn trước của mắt, mục đích là duy trì một độ cứng bình thường của mắt (được gọi là nhãn áp), không cho mắt cứng quá cũng như mềm quá. Lượng thủy dịch ở trong mắt lúc nào cũng được tiết ra và thoát ra khỏi mắt qua hệ thống ống dẫn rất nhỏ (giống như một thùng nước có một vòi chảy vào và một vòi chảy ra để nước được lưu thông. Dịch này không phải là nước mắt vì nước mắt ở phía ngoài của mắt.
Khi những hệ thống ống dẫn thủy dịch ở góc tiền phòng bị tắc thì thủy dịch bị ứ trong mắt, làm áp suất ở trong mắt tăng (tức nhãn áp tăng) tác động vào thị thần kinh gây thương tổn thị thần kinh.
III. Điều trị ra sao?
Trên nguyên tắc thương tổn do cườm nước thì không thể phục hồi được. Thuốc nhỏ, laser và phẫu thuật chỉ có mục đích làm hạ nhãn áp và giúp ngăn ngừa những thương tổn về sau, cũng đôi khi cần phải uống thuốc. Với bất cứ loại cườm nước nào, khám nghiệm mắt thường xuyên là điều rất quan trọng để tránh bị mất thị lực.
Điều trị thuốc:
Cườm nước thường được điều trị với thuốc nhỏ hằng ngày, các loại thuốc này làm hạ nhãn áp do giảm lượng thủy dịch tiết ra ở trong mắt hoặc làm tăng lượng thoát thủy dịch qua hệ thống ống dẫn thoát dịch. Không bao giờ được thay đổi hay ngưng thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ. Điều trị bằng thuốc nhỏ có thể duy trì được thị lực. Tuy nhiên, thuốc nhỏ cũng gây những phản ứng phụ. Người bệnh cần phải báo cho bác sĩ biết nếu thấy bất cứ phản ứng phụ nào, vài loại thuốc có thể gây:
Xốn hay ngứa mắt
Làm chậm nhịp mạch hay nhịp tim
Mắt đỏ
Gây khó thở (xuyễn)
Lông mi dài, da quanh mắt xậm.
Mắt mờ, khô miệng...
Điều trị Laser:
Tùy theo từng loại cườm nước mà điều trị khác nhau
Ở cườm nước góc mở: Dùng Laser đốt vào hệ thống ống dẫn thủy dịch ở góc mắt để mở rộng đường thoát thủy dịch, thủ thuật này được gọi là tạo hình vùng bè.
Ở cườm nước góc đóng: Dùng laser để tạo một lỗ ở mống mắt (màng đen) để không cho màng đen bít đường thoát thủy dịch, thủ thuật này được gọi là cắt mống chu biên.
Phẫu thuật:
Phải mổ khi dùng thuốc và Laser mà nhãn áp vẫn cao, trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tạo ra một đường thoát thủy dịch mới để thủy dịch không còn ứ ở trong mắt, lúc đó nhãn áp sẽ hạ, phẫu thuật này được gọi là cắt bè củng mạc hay tạo ống thông.
(Theo BS. Nguyễn Cường Nam // Nhip cau y khoa)