Nhiều người coi ung thư như là số phận, không thể tránh khỏi. Nhưng thực tế cái gọi là số phận đó lại do chính bản thân chúng ta định đoạt. Và chỉ khi người thân trong gia đình ra đi mãi mãi vì căn bệnh này, nhiều người mới tỉnh ngộ!
Bao giờ bệnh hẵng hay!
Nhậu nhẹt...
Đây là câu nói cửa miệng của anh N.V.N (47 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội) mỗi khi có người khuyên anh giảm bớt thói quen bia rượu. Do làm công việc bảo vệ nên anh C. có nhiều cơ hội để “chén chú chén anh”. Và dần dà, ngày nào không nhập hội bia rượu là ngày đó kém vui.
Vợ anh, chị P.N.V. cũng chung quan điểm này nhưng là theo hướng dinh dưỡng, tức là bữa nào mà không có các món chiên rán thì là chưa đủ chất. Vậy là mâm cơm nào của gia đình anh cũng đầy ắp thịt và các đồ chiên rán. Gia đình anh cũng tin rằng hoa quả tốt hơn rau xanh nên hoa quả là chính, rau củ là phụ.
và những bữa ăn nhiều dầu mỡ, đạm nhưng lại thiếu rau xanh như thế này...
Anh chị N V đều rất tự hào với thân hình đầy đặn, “phát tướng” của mình và mũm mĩm của 2 con cho đến khi da anh ngày càng sạm đi, móng tay, lòng trắng mắt chuyển vàng. Anh N. nghĩ nóng gan, mua đủ loại mát gan, bổ gan về uống. Da không hết sạm mà cân nặng lại sụt nhanh qua từng tháng. Vợ anh N. nhắc chồng đi khám, anh bảo chắc do gan yếu, dạo này không ăn được. Vậy là vợ anh lại tẩm bổ nào sâm, nào gà tần… và rồi đột ngột anh đi ngoài ra máu. Vào viện Xanh-pôn kiểm tra, anh N. nhanh chóng được chuyển sang K. Cả nhà bàng hoàng vì anh bị ung thư gan di căn sang đại trực tràng, phải mổ gấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Còn ông T.T.H (53 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) thì lại nghiện thuốc lá nặng, ngày nào hút dưới 1 bao thuốc là hẳn sức khỏe ông có vấn đề. Vợ con nói thế nào ông cũng không bỏ thuốc. Ngay cả khi có người ra đi vì ung thư phổi thì ông lại dẫn chứng là “cụ N. ở giữa phố 90 tuổi vẫn khỏe mạnh dù ngày nào cũng trên 10 điếu thuốc đấy thôi. Sống chết có số cả. Bỏ thuốc thì thà chết còn hơn…”.
Muộn còn hơn không!
... sẽ có thể là con đường tới bệnh viện ngắn nhất
Sau ca đại phẫu cắt khối u trực tràng ác tính, anh N. trải qua nhiều đợt hóa trị với niềm tin rằng mình sẽ lại khỏe mạnh. Trong khi đó, vợ con anh khóc thầm bởi gan của anh đã bị tàn phá hoàn toàn, đang ở giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ tính bằng tháng.
Lúc này, chị V. mới nhớ ra rằng bố chồng mình đã mất vì ung thư gan. Anh chồng cũng đã mất vì căn bệnh này.
Sau buổi tư vấn bác sĩ, một mặt chăm chồng yếu bệnh, mặt khác chị V. đưa cả nhà đi kiểm tra sức khỏe tổng quát, tiêm bổ sung vắc-xin phòng viêm gan B cho bản thân và thay đổi thói quen ăn uống của cả gia đình.
Và giờ đây, khi anh N. đã ra đi mãi mãi, bữa ăn của 3 mẹ con chị V không còn các món chiên rán, thay vào đó là luộc, hấp; rau xanh giờ thành món chính. Và sau giờ làm, giờ học, cả nhà đều dành thời gian đi bộ, tập thể dục, cân nặng của cả 3 mẹ con đều đã giảm nhiều, lượng mỡ trong gan của chị V. cũng đã giảm đi trông thấy. Chị V. cùng các con cũng đều đặn đi kiểm tra chứng năng gan, mỡ gan, mỡ máu… mỗi năm. Chị V. chia sẻ: “Cứ nghĩ ai cũng chết, nhưng biết trước là mình chết và phải sống những tháng ngày đau đớn, làm khổ những người thân như thế thì sợ lắm!”.
Còn ông H., nhờ được người thân trong nhà bắt đi khám ngay khi thấy khó thở, nuốt nghẹn… nên đã phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Nằm trên giường điều trị, ông mới thấy sợ là mình sẽ không thể viết xong cuốn sách đang dang dở và quan trọng là sẽ không được nhìn thấy những đứa cháu nội, ngoại chào đời. Vậy là sau đợt điều trị, ông không chỉ bỏ hẳn thuốc lá, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thay cờ tướng bằng đi bộ 2 vòng hồ mà còn gặp ai hay hút thuốc là lại bảo “Bỏ thuốc đi không như tôi thì khổ”.
Khẩu hiệu “Đoàn kết lại tất cả đều có thể” của ngày Thế giới phòng chống Ung thư năm 2012 (ngày 4-2) sẽ khuyến khích những người chịu ảnh hưởng của căn bệnh ung thư có trách nhiệm trong công cuộc giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ chết sớm do ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác xuống còn 25% vào năm 2025.
“Câu trả lời về tình trạng quá tải tại các bệnh viện thường là số giường bệnh không đủ và phải xây dựng thêm bệnh viện nhưng tôi cho rằng dự phòng để phòng tránh bệnh tật là một giải pháp quan trọng.Lối sống lành mạnh như bỏ rượu và thuốc lá, tập thể dục hằng ngày... có thể phòng 30% nguy cơ ung thư. Còn nếu chẳng may đã mắc ung thư thìđược thăm khám và điều trị sớm sẽ giảm được 30% nguy cơ tử vong. Và nếu phối hợp cả hai điều kiện này, sẽ giảm đáng kể số ca mắc và tử vong do ung thư”. TS. Lê Thị Thu Hiền Quản lý dự án Tăng cường bằng chứng cho truyền thông phòng chống ung thư ở Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |
(Theo Nhân Hà // Dân trí)