Khi đặt vấn đề “làm sao để ung thư không thành gánh nặng”, GS. BS Nguyễn Chấn Hùng ôn tồn giải thích: “Ung thư là gánh nặng đối với cá nhân và toàn xã hội. Và lúc này, chỉ có thể nói là giảm nhẹ gánh nặng đó…”.
Không chỉ là một chuyên gia đầu ngành về ung thư cả nước, chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng còn là một nhà báo, một nhà truyền thông tích cực trên mặt trận tư tưởng với hàng trăm bài viết về sự thật phía sau căn bệnh ung thư đáng sợ, giúp người dân có một cái nhìn đúng đắn về một căn bệnh nan y của nhiều chục năm trước nhưng nay có thể phòng và chắc chắn có thể “trị” nếu phát hiện và tích cực điều trị ngay từ giai đoạn sớm.
Giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu nhưng ẩn chứa một những hiểu biết tới “tận cùng” của căn bệnh cả loài người kinh sợ, GS Chấn Hùng đã dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện kéo dài tới gần 3 tiếng về một chủ đề tưởng quen, đến mức ngỡ đã tỏ “chân tơ kẽ tóc” nhưng hóa ra lại chưa biết được bao nhiêu: “Khảo sát toàn diện về số liệu ung thư giúp ích gì cho các nhà hoạch định chính sách và có ý nghĩa gì với mỗi người dân để ung thư thật sự “nhẹ gánh”?…”.
GS. BS Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam (Ảnh BS cung cấp)
Lý giải về tình trạng quá tải tại các TT Ung bướu đầu ngành tại Hà Nội, TPHCM hiện nay, có ý kiến cho rằng: Không nên coi tình trạng quá tải này chỉ đơn thuần là sự gia tăng đột biến các ca mắc bởi ngay từ đầu thế kỷ 19, đã rất nhiều người bị căn bệnh này. Theo đó, phải hiểu rằng: tình trạng này thể hiện ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh; đời sống kinh tế khá lên, cuối cùng mới là yếu tố môi trường sống thay đổi theo hướng bất lợi khiến tỉ lệ mắc bệnh gia tăng. Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề, xin GS. BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Chúng ta đã có sốliệu cơ bản về tình hình bệnh ung thư tính theo đầu người (gọi là xuất độ - số người mới mắc hàng năm trên 100.000 dân), đó là ghi nhận ung thư quần thể (GNQT); Ở Hà Nội đã có GNQT từ 1995, ở TP HCM 1997 và từ 2003 mở thêm GNQT vài tỉnh thành nữa (Hải Phòng, Thái Nguyên, Cần Thơ). Còn cần phải mở rộng thêm.
Trong số liệu ung thư thế giới được công bố năm 2010, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) đã đưa ra những con số chính thức về tình hình ung thư thế giới (gánh nặng ung thư toàn cầu) gọi là Globocan 2008. Năm 2008, toàn hành tinh có 12,7 triệu người mới mắc và 7,6 triệu người chết. Sau khoảng 20 năm nữa, số liệu này có thể tăng gần gấp đôi. Theo đó, ung thư là sát thủ mạnh tay nhất so với các bệnh khác. Có sự khác biệt lớn các loại ung thư từ vùng này sang vùng khác. Ung thư trĩu nặng hơn ở các vùng kém phát triển.
Từ sựhợp tác với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Globocan cho thấy ở nước ta, ung thư gan và phổi là hai loại đứng nhất và nhì (chiếm 20,8% và 18,5%) ở cả hai giới. Ung thư dạ dày cũng thường gặp (13,5%). Ở phụ nữ, ung thư vú chỉ đứng sau ung thư gan, phổi.
Thưa GS, vậy đâu là thủ phạm chính gây ra sự phổ biến đối với những bệnh UT có tỉ lệ tử vong/ mắc cao hàng đầu này tại Việt Nam?
Ung thư gan thường gặp nhất, bởi đại dịch viêm gan vi-rút HBV và HCV đang hoành hành ở nước ta; ghiền bia rượu, thức ăn mốc meo chứa độc tố aflatoxin như thêm dầu vào lửa. Ung thư phổi suýt soát ung thư gan. Rõ rồi khói thuốc lá là thủ phạm. Đáng lo là phụ nữ VN ít hút thuốc mà bị ung thư phổi bằng khoảng 1/3 cánh đàn ông là vì các bà bị “hít ké”.
Ung thư dạ dày thường gặp vì nước ta trong vùng nhiễm vi khuẩn H.Pylori cao, ô nhiễm nặng khói thuốc lá và quen dùng thức ăn muối mặn (cá khô, các loại mắm, các loại thực phẩm muối chua...) và ít rau quả củ tươi.
Tin mừng là ung thư cổ tử cung hiện không còn xếp trong nhóm ung thư phổ biến nhất. Tại TPHCM và phía Nam, ung thư này đã giảm tới 50% so với cách đây 30 năm. Đó là nhờ chiến lược tầm soát bệnh của ngành phụ sản (đào tạo đội ngũ y bác sĩ có trình độ, kỹ năng, ý thức khám chữa bệnh sớm của người dân)… chuyên viên xét nghiệm Pap và ý thức chăm lo sức khỏe của phụ nữ. Nên nhớ ở Hà Nội và phía Bắc, ung thư cổ tử cung thuộc loại không thường gặp.
Và việc khảo sát, đưa ra 1 bức tranh ung thư với những số liệu chính xác có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách vĩ mô cũng như cho mỗi người dân trong điều trị và dự phòng bệnh, thưa Giáo sư?
Trên thế giới, số liệu sẽ giúp toàn cầu thấy được các nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh thường gặp nhất thế giới, từ đó đề phòng, giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh.
Tổ chức Y tếThế giới phỏng định lẽ ra 1/3 ung thư toàn cầu có thể phòng tránh được. Ví dụ ung thư phổi nhiều nhất và gây tử vong cao nhất, mọi người hiểu thủ phạm chính là thuốc lá. Ung thư dạ dày không thường gặp nhất nhưng tử vong lại đứng hàng thứ 2 vì khó phát hiện và điều trị rất là “xấu”. Ung thư vú dù đứng thứ 2 về số người mắc nhưng lại có tỉ lệ sống nhiều nhất.
Còn với Việt Nam, sốliệu giúp chúng ta thấy sự khác biệt vùng miền và 1 bức tranh tổng thể, từ đó giúp đưa ra chính sách vĩ mô trong các xử lý và phòng ngừa bệnh. Ví như phải ưu tiên hàng đầu phòng chống ung thư thường gặp. Đối với ung thư gan thì cần chú trọng tiêm ngừa viêm gan B, điều trị và tầm soát các bệnh viêm gan do vi-rút… Hay ung thư dạ dày liên quan chặt chẽ chế độ dinh dưỡng và vi khuẩn H.Pylori (bệnh theo miệng mà vào).
Mỗi người lưu ý nếp sống lành, tăng cường kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ví như tránh xa khói thuốc để phòng ung thư phổi, với ung thư dạ dày thì hạn chế ăn thức ăn muối, mặn, lưu ý H.Pylori, nên ăn nhiều rau quả… Phòng tránh ung thư cổ tử cung thì cần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, đi khám phụ khoa định kỳ, xét nghiệm Pap, sinh hoạt tình dục an toàn…
Giáo sư có nói rằng “Nếu không tin vào y học, không quyết tâm trong điều trị, không điều trị đúng cách thì chỉ có hại cho mình thôi”. Vậy xin hỏi những tiến bộ trong phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện nay của nước ta là gì?
So sánh với cách đây 30 năm, chúng ta đã được bổ sung thêm rất nhiều phương pháp mới.
Lấy thí dụ nếu trước đây, điều trị ung thư cổ tử cung còn thủ công, người bác sĩ phải trực tiếp đưa chất phóng xạ (chất rađi) áp sát khối bướu ác tính và người bệnh phải nằm trong phòng lót chi 5 ngày. Nay chỉ cần đưa người bệnh vào phòng, bác sĩ và kỹ sư sẽ tính toán liều lượng xạ trị chính xác rồi đưa chất phóng xạ vào cơ thể và người bệnh có thể ra khỏi phòng, đi lại sau 5-10 phút…
Thay cho ống nghe, bàn tay, các thầy thuốc có “mắt thần” nhìn suốt cơ thể từ bên ngoài với máy dò siêu âm, máy rà CT (cắt lớp điện toán), máy rà MRI (cộng hưởng từ), máy PET… giúp định rõ ung thư nằm đâu, lớn nhỏ, còn khu trú hoặc liếm sang mô lân cận hay lan tràn xa… Ống soi mềm mại đến khắp các hang hốc trong người, từ miệng vào đến dạ dày, từ mũi xem các cuống phổi..., thấy có gì lạ, cắt một miếng tí ti để thử mà biết lành ác. Ung thư lan tràn nhiều nơi thì có thuốc hiệu quả hơn đi khắp người hay nhằm đúng chỗ gen hư mà tấn công (gọi là liệu pháp nhắm trúng đích).
Có thểnói, các máy móc, thuốc điều trị tại Việt Nam ngày một nâng cấp hiện đại, có thể xấp xỉ với các nước trong khu vực, các bác sĩ tay nghề ngày một vững.Tôi muốn nhắn nhủ bà con làung thư biết sớm trị lành. Ung thư còn sớm thì chữa trong nước coi như cũng tốt gần như nước ngoài, nhất là bà con bệnh nhân không có tài chính dồi dào. Khi phát hiện muộn thì điều trị ở nước ngoài cũng gặp khó khăn gần như điều trị trong nước, vì ung thư biết trễ dễ thành nan y.
Xin cảm ơn giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã dành cho báo Dân trí một cuộc trò chuyện, trao đổi vô cùng thú vị!
(Theo Thu Phương // Dân trí)