Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Những di chứng đáng sợ của chấn thương sọ não

Hiện nay đang là thời điểm nhiều người lựa chọn đi du xuân, đi lễ chùa và cũng đang là mùa cưới hỏi làm cho mật độ giao thông trên đường đông hơn, khả năng tai nạn rất dễ xảy ra nếu người điều khiển xe không làm chủ được tốc độ và không chấp hành Luật giao thông. Một trong những hậu quả đau lòng do tai nạn giao thông là chấn thương sọ não và những di chứng nguy hiểm của nó.

->> Chấn thương sọ não ở trẻ em

Hội nghị quốc tế về phẫu thuật thần kinh lần thứ ba đã thông báo, hàng năm ở châu Âu có hơn 2 triệu người, Mỹ có 60 vạn, Nhật Bản có 40 vạn nạn nhân chấn thương sọ não (CTSN) với tỷ lệ tử vong rất cao, đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư.

CTSN là loại chấn thương tác động mạnh mẽ quá mức bù chỉnh của não, gây rối loạn hàng loạt chức năng hoặc tổn thương thực thể ở não. Để đánh giá mức độ CTSN, có hai loại được xác định là CTSN hở và CTSN kín. Ngoài ra còn nhiều cách phân loại khác như theo bản chất tổn thương não, vị trí tổn thương não…

Bọc máu tụ trong não trên phim chụp CT-scan.

Có những tổn thương gì ngay sau khi bị CTSN?

Bọc máu tụ nội sọ:Quan trọng bậc nhất là sự hình thành bọc máu tụ nội sọ do nhiều điểm hoại tử não hợp thành hoặc do đứt rách những động mạch lớn do chấn thương quá mạnh. Các khối máu tụ này có thể khu trú ở nhiều vùng của não. Tùy theo mức độ chấn thương, máu tụ có thể tập trung ở dưới màng cứng, trong não, trong não thất, dưới lều tiểu não. Trong đó, máu tụ trong não thất là một hậu quả nặng nề của CTSN. Khi bị vỡ, đứt các mạch máu lớn, máu tràn vào các não thất đến mức nặng là “lụt não thất” cũng thường xảy ra trong trường hợp xuất huyết não trong đột quỵ mạch máu não.

Phù não:Có hai loại phù não là phù não do căn nguyên mạch và do nhiễm độc tế bào. Trong các hậu quả của CTSN, phù não là biến chứng phổ biến nhất và nguy hại nhất, đe dọa tính mạng nạn nhân.

Thoát vị não:Trường hợp phù não nặng sẽ gây nên thoát vị não. Phù não chèn ép quá mạnh gây nên tình trạng một phần của não bị đẩy ra, chui vào các khoang, khe, lỗ hở, đặc biệt nguy hiểm nhất là thể thoát vị não tại lỗ lớn của xương chẩm gây chèn ép hành tủy, nơi có “nút sống” là trung tâm chi phối hô hấp và tim mạch. Do đó, thoát vị não lỗ chẩm là một nguy cơ tử vong trong giây phút nếu không được phát hiện sớm và xử trí tại chỗ kịp thời.

Hội chứng tăng áp lực nội sọ:Tất cả những biến chứng của chấn thương sọ não, trong đó có vai trò quan trọng của phù não đã dẫn đến hội chứng tăng áp lực nội sọ với ba triệu chứng chủ yếu: đau đầu (cảm giác đau theo nhịp mạch đập, đau giật hay đau như nổ tung đầu. Đau với cường độ ngày càng tăng lên làm bệnh nhân kêu rên, la hét); nôn mửa do tăng áp lực nội sọ chèn ép các nhân dây thần kinh sọ não; phù đĩa thị hay phù gai thị.

Thiếu máu não:Tại vùng thiếu máu não sẽ phát sinh những “ổ thiếu máu” kể cả trong trường hợp thiếu máu não không do chấn thương (thiếu máu não tạm thời hoặc vĩnh viễn, nhồi máu não…). Ở thiếu máu não sẽ hình thành ba vùng: vùng thiếu máu não quá mức sẽ xuất hiện vùng não hoại tử, không hồi phục; vùng bán ảnh là vùng nhu mô não cũng bị thiếu máu tương đối nặng nhưng chưa đến mức hoàn toàn bị hủy hoại, vẫn còn khả năng hồi phục; vùng não nguyên lành, vùng này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là vùng gần mạng lưới động mạch, có nhiều khả năng nhận và chuyển tiếp máu “ứng cứu” cho tế bào não tại vùng bán ảnh.

 

Đội mũ bảo hiểm, một biện pháp phòng ngừa chấn thương sọ não.

Chấn thương sọ não kín gây hậu quả gì?

Chảy máu não:Sau chấn thương sọ não kín vẫn có thể xảy ra chảy máu não với những ổ máu tụ nhỏ và vừa, rải rác ở nhiều vùng của não. Diến biến bệnh lặng lẽ nhưng vẫn có thể phát sinh biến chứng không kém nguy hiểm nên phải theo dõi chặt chẽ. Sau chấn thương, bệnh nhân tỉnh táo, không có rối loạn ý thức nhưng sau một thời gian ngắn lại đi vào hôn mê. Người ta gọi đấy là “khoảng tỉnh” chứng tỏ chảy máu não lại tái phát hoặc xuất phát từ những ổ đụng giập não.

Chấn động não:Là trường hợp CTSN loại nhẹ nhất. Nạn nhân không mất ý thức, không có “khoảng tỉnh” nhưng không phải là hết hậu quả đáng lo ngại.

Làm gì khi bị CTSN do tai nạn?

Ngay sau khi bị CTSN, nạn nhân cần phải được cấp cứu kịp thời ở cơ sở y tế gần nhất để xử trí ban đầu, sau đó sẽ đưa đến chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Trong thời gian nằm viện, nạn nhân phải chịu đựng đau đớn tới mức thảm hại và phải chịu chi phí rất tốn kém. Đó là chưa kể đến để hạn chế mức độ tàn phế do di chứng tồn tại, bệnh nhân phải trải qua một quá trình điều trị phục hồi chức năng lâu dài nữa. Do vậy, để phòng tránh CTSN không còn cách nào khác là người điều khiển xe phải thực hiện an toàn giao thông, tuân thủ nghiêm luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, quan sát kỹ khi qua đoạn đường giao với đường sắt… đồng thời thực hiện an toàn lao động.  

Di chứng tiếp diễn sau CTSN là gì?

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của CTSN có thể xuất hiện sau một thời gian tạm ổn định.

Hội chứng đau đầu sau chấn thương sọ não có hai thể: thể xuất hiện sớm và thể muộn, với diễn biến dai dẳng kéo dài, khó khăn trong điều trị.

Động kinh: Thường gặp trong 40-50% trường hợp do CTSN. Đây là thể động kinh có ổ khu trú. Hình thái lâm sàng rất đa dạng, phức tạp tùy theo ổ khu trú đó ở vùng nào của não. Lại có những vùng có ổ khu trú xuất hiện không chỉ là những cơn động kinh mà còn phối hợp cả những rối loạn tâm thần rất khó điều trị.

Bệnh lý cột sống cổ: Thường xuất hiện sớm và nặng do lực chấn động từ sọ não dội xuống cột sống cổ. CTSN còn đẩy mạnh tốc độ tiến triển thoái hóa đĩa đệm - cột sống, gây thoát vị đĩa đệm và nguy hại nhất là thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy sống cổ, hẹp ống sống cổ dẫn đến liệt tứ chi.

Giảm hoặc mất trí nhớ, đau đầu dai dẳng: Giảm sút trí tuệ, trường hợp nặng dẫn đến mất ngôn ngữ, đòi hỏi quá trình điều trị phục hồi chức năng rất phức tạp và lâu dài.

 

 

(Theo PGS.Vũ Quang Bích // Suckhoe & Doi song)

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay