Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Áp-xe não thật sự là hiểm họa

Áp xe não là có bọc mủ trong hộp sọ với các vị trí ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não. Bệnh có thể gây viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não, tỉ lệ tử vong cao.

Vì sao bị áp-xe não ?

Nhiều nghiên cứu cho thấy có 3 nguyên nhân gây áp-xe não chính sau đây: áp-xe não do chấn thương; do nhiễm khuẩn từ cơ quan lân cận như: viêm xương chũm, viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa; do vi khuẩn theo đường máu: gặp trong các bệnh như giãn phế quản (bronchoectasia), áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, áp-xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt. Nhưng cũng có nhiều trường hợp áp-xe não không tìm thấy ổ nhiễm khuẩn tiên phát. Đặc điểm áp-xe não theo đường máu là ổ áp-xe thường ở sâu trong tổ chức não, có thể một hoặc nhiều ổ ở các vị trí khác nhau. Vi khuẩn gây bệnh thường là vi khuẩn ái khí như trực khuẩn đường ruột, tụ cầu vàng, liên cầu không gây tan huyết, vi khuẩn kỵ khí, do nấm. Vị trí áp xe có thể là: ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não.


 Áp-xe não là bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

Cách nhận biết bệnh

Theo một nghiên cứu ở Ấn Ðộ, trong số 1.276 trường hợp áp-xe não, tỷ lệ tử vong là 17,2%. Nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, tử vong do áp-xe não khoảng 40%. Áp-xe tiểu não có tỷ lệ tử vong cao nhất từ 62 - 85%.

Người bị áp-xe não thường có những biểu hiện sau đây: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sốt cao 380C - 400C; mệt mỏi, chán ăn, xét nghiệm máu thấy bạch cầu  tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng; hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu, nôn và buồn nôn, soi đáy mắt có ứ phù gai thị, phản ứng màng não như cổ cứng, sợ ánh sáng nên mắt lúc nào cũng nhắm, tư thế nằm nghiêng và co gấp người vào bụng, nếu áp-xe tiểu não có triệu chứng rầm rộ như đau đầu dữ dội, nôn nhiều, đi lảo đảo như người say rượu, hai chân dang rộng, nghiệm pháp Romberg (+), sai tầm, quá hướng nếu làm nghiệm pháp ngón tay trỏ mũi; rung giật nhãn cầu, thất điều; dấu hiệu thần kinh khu trú: có thể thấy bại nửa người đối bên, tổn thương dây thần kinh sọ não như dây VII, VIII, III, II, cơn co giật động kinh cục bộ, rối loạn ngôn ngữ như mất lời hoặc nói khó; triệu chứng tâm thần kinh: lúc đầu kích thích, vật vã, giãy giụa, kêu la vì đau, sau dần dần tri giác xấu hơn, nằm im, mất định hướng, lú lẫn, bán hôn mê và hôn mê, không điều trị kịp thời sẽ tử vong; triệu chứng tại chỗ: với áp-xe ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng thì khi ấn hoặc gõ lên vùng xương viêm bệnh nhân rất đau. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây: viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não do bọc áp-xe lớn có vỏ bao dày chắc chiếm chỗ trong hộp sọ gây tăng áp lực nội sọ rầm rộ, chèn đẩy não và gây tụt kẹt não: đẩy thùy thái dương vào khe Bichat hay đẩy thùy nhộng của tiểu não vào lỗ chẩm gây chèn ép vào hành tủy. Nhất là áp-xe tiểu não, do hố sọ sau rất chật nên chỉ ổ áp-xe nhỏ đã gây rối loạn nặng hô hấp và tim mạch.

Chọc dịch não tủy hơi đục,  có thể thấy tế bào mủ, glucose giảm thấp. Chụp Xquang có thể thấy giãn đường khớp, mòn mỏm yên. Chụp cắt lớp vi tính để biết vị trí, kích thước ổ áp-xe.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm màng não mủ, u não, viêm tắc tĩnh mạch trong não.

Viêm màng não mủ hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc rầm rộ, đau đầu, sốt cao mệt mỏi, dịch não tủy đục như nước vo gạo, dấu hiệu thần kinh khu trú không có hoặc không rõ ràng;

Viêm tắc tĩnh mạch trong não: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, sốt rất cao kèm rét run, tĩnh mạch da đầu và tĩnh mạch ở mặt nổi giãn to, phù kết mạc mắt, có thể thấy mắt lồi nhẹ, liệt các dây thần kinh sọ não như dây III, IV, VI;

U não: có biểu hiện hội chứng tăng áp lực nội sọ, hội chứng thần kinh khu trú, sốt nhẹ hay không sốt, xét nghiệm máu bạch cầu không tăng, tốc độ máu lắng không tăng, dịch não tủy trong, tăng protein, chụp cắt lớp vi tính thấy khối u.

Ðiều trị và phòng bệnh thế nào?

Phương pháp nội khoa dùng khi ổ áp-xe nhỏ và ở sâu, áp-xe não đã vỡ gây viêm màng não mủ lan tràn, bệnh nhân quá yếu không cho phép phẫu thuật. Dùng kháng sinh mạnh, phổ tác dụng rộng, phối hợp nhiều kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn gram (-) và gram (+). Có thể dùng cephalosporin thế hệ 3, 4 kết hợp với nhóm quinolone. Chống phù não, nuôi dưỡng và săn sóc bệnh nhân phòng viêm phổi do nằm lâu, chống loét, thuốc an thần, giảm đau và hạ sốt.

Chọc hút ổ áp xe não: có ưu điểm là không gây tổn thương nhiều tổ chức não lành. Sử dụng khi ổ áp-xe lớn ở sâu trong tổ chức não, ổ áp-xe nhiều ngăn, tình trạng bệnh nhân quá nặng. Nhược điểm của phương pháp này là không lấy triệt để nên dễ tái phát.

Dẫn lưu ổ áp-xe trong các trường hợp áp-xe ngoài màng cứng, dưới màng cứng, ổ áp-xe lớn ở sâu hoặc ở nông so với vỏ não.

Phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ bọc áp-xe là phương pháp triệt để nhưng có nhiều khó khăn, nhược điểm là gây tổn thương nhiều tổ chức não lành, có thể gây thủng vỡ bọc áp-xe. Dùng trong trường hợp bọc áp-xe có bao xơ chắc nằm không sâu trong não, áp-xe não do vết thương hoả khí, trong bọc áp- xe có thể có mảnh kim khí hoặc mảnh xương và các dị vật khác.

Phòng bệnh tốt nhất là điều trị triệt để các nguyên nhân gây áp-xe não.

( theo suckhoedoisong)

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay