Viêm da dị ứng là tổn thương viêm cấp hay mạn tính, thường gặp ở người có cơ địa dị ứng cho nên còn được gọi là viêm da cơ địa. Tuy bệnh ít gây nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
Nguyên nhân phức tạp
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa rất phức tạp tùy theo từng người nhưng chủ yếu là do cơ địa, môi trường sống và di truyền. Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng như chàm, nổi mề đay, dị ứng với thời tiết, dị ứng với nước, hóa chất, thuốc, ký sinh trùng (mò, mạt), lông chó, mèo hoặc một số thực phẩm (trứng, tôm, cua...). Muốn biết được nguyên nhân thì phải xác định được dị nguyên (chất kích thích gây dị ứng). Tuy vậy, việc làm này hiện nay còn gặp khó khăn với nhiều lý do khác nhau. Nhiều trường hợp bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền (ông, bà, bố, mẹ cũng bị viêm da dị ứng hoặc bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mề đay...). Yếu tố môi trường sống cũng có vai trò đáng kể trong việc làm gia tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa. Môi trường sinh sống trong sạch, ít bụi, ít chất thải thì nguy cơ mắc bệnh viêm da dị ứng có thể được cải thiện một cách đáng kể.
Khi trời lạnh cần mặc ấm để tránh viêm da cơ địa.
Bệnh hay gặp vào mùa lạnh, hanh khô
Hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa đều có bất thường về tính chất của da. Da khô có thể gặp quanh năm nhưng rõ nhất vẫn là vào mùa lạnh, khô hanh. Da thường có nốt sần, ban đỏ, mụn nước. Mụn nước có khi kết hợp lại thành từng mảng. Triệu chứng ngứa là điển hình nhất gặp ở hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa. Đối với trẻ nhỏ khi ngứa, trẻ sẽ gãi do không tự kiềm chế được, nếu móng tay dài sẽ làm trầy xước, chảy máu và rất dễ bị nhiễm khuẩn gây lở loét, mưng mủ và da ở vùng này thường bị dày lên. Bởi vì trên da người bình thường có rất nhiều loại vi khuẩn, chúng sống ở đó với vai trò cộng sinh nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ gây bệnh (người ta gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội). Vì vậy, trong các trường hợp như thế này sẽ làm tình trạng viêm da nặng thêm hơn rất nhiều gây khó khăn cho điều trị và khi khỏi dễ để lại sẹo. Ngoài triệu chứng da khô, nổi ban, mụn nước vùng bị viêm còn có thể bị nứt nẻ, có khi không gãi cũng gây chảy máu.
Vị trí hay gặp viêm da cơ địa là sau tai, má, cằm, mạng sườn, tay, chân. Ở những người bệnh có hệ thống miễn dịch hoạt hóa mạnh thì da ở vùng đó khô, ngứa, nứt và đỏ ửng. Đồng thời da ở vùng viêm luôn luôn có hiện tượng đóng vảy, bong vảy. Viêm da dị ứng có thể có cơn kịch phát do bệnh tiến triển nhanh, gặp dị ứng nguyên phức tạp. Bệnh không lây nhiễm thành dịch nhưng hay bị tái phát. Tuy vậy, trên cùng một cơ thể nếu bị viêm da cơ địa kèm theo có nhiễm khuẩn thì có thể làm lây lan nhiều vị trí khác trên cơ thể. Ngoài ra, viêm da cơ địa có thể gây viêm da thần kinh, thậm chí gây biến chứng ở mắt do dị ứng xảy ra ngứa trong và xung quanh mí mắt có thể gây viêm kết mạc.
Làm thế nào để phòng tránh?
Cho đến nay, việc dự phòng và điều trị bệnh viêm da cơ địa còn gặp không ít khó khăn, bởi vì nguyên nhân của nó rất phức tạp. Khi nghi ngờ bị viêm da cơ địa thì cần cho người bệnh đi khám chuyên khoa da liễu, nhất là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Luôn luôn giữ cho da sạch sẽ, bấm móng tay và đi găng tay để không bị trầy xước da gây nhiễm khuẩn khi gãi. Nên mặc các loại quần áo vải mỏng, mềm, không có khả năng gây dị ứng. Hàng ngày nên tắm bằng nước ấm (không nên dùng nước quá nóng). Vệ sinh môi trường sống cũng là vấn đề cần quan tâm để hạn chế mắc bệnh viêm da dị ứng. Không nên nuôi động vật trong nhà, nhất là mèo, chó.
Việc điều trị cho người viêm da dị ứng nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không tự mua thuốc để tự điều trị hoặc người nhà khi không có kiến thức chuyên môn về y học.
Theo SKDS