Vào mùa Đông, độ ẩm không khí thường xuống thấp khiến vùng da những người bị á sừng dễ bị nứt ra, rớm máu và đau đớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo các chuyên da, á sừng là một bệnh viêm da cơ địa dị ứng, là bệnh ngoài da khá phổ biến có thể gặp ở nhiều vị trí da khác nhau khiến da thường khô và bong tróc, nhưng rõ rệt nhất là da ở đầu ngón chân, ngón tay. Vào mùa Đông, khi độ ẩm không khí xuống thấp tình trạng nứt nẻ càng nặng thêm, phần da bị bệnh dễ bị nứt toác ra, rớm máu đau đớn, có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc.
Theo Ths. Bs. Phan Thị Hoa, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, có 2 yếu tố nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa, đó là do nguyên nhân cơ địa di truyền và nguyên nhân dùng hóa chất tẩy rửa quá mạnh hoặc dùng thuốc bôi không đúng cách.
Để chăm sóc bệnh á sừng vào mùa Đông, người bệnh tuyệt đối nhớ hoàn toàn không tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Càng tiếp xúc với chất tẩy rửa nhiều bao nhiêu càng rửa trôi mất lớp lipit của da bấy nhiêu, khiến bệnh càng trầm trọng hơn. Người bị á sừng ở tay thì khi rửa bát, lau nhà, giặt quần áo nên đi một găng tay túi bóng trước, sau đó đi một găng tay cao su rồi mới bắt tay vào làm.
Người bệnh á sừng nên luôn luôn dùng kem dưỡng ẩm, một ngày có thể bôi kem 3 - 4 lần vào vùng da bị bệnh, vì dưỡng ẩm là chìa khóa để người bệnh điều trị bệnh khô da, đặc biệt là bệnh á sừng.
Ngoài ra, có một bài thuốc điều trị dùng ngoài rất hữu hiệu gồm: quế chi, đào nhân, đại hoàng, ba vị lấy lượng bằng nhau đun lên lấy dịch đắp vào hoặc ngâm vào chỗ da bị tổn thương, ngâm trong vòng 1 tuần thì da sẽ mềm mại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt tăng cường các thức ăn bổ dưỡng cho da.
Theo Vnmedia