Viêm loét đại tràng là một dạng bệnh viêm đường ruột; gây đau, chướng bụng, tiêu chảy, và thường không hoặc có rất ít triệu chứng giữa những đợt bùng phát. Một số loại thực phẩm không gây viêm loét đại tràng nhưng có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Thịt mỡ. Khi nói đến các triệu chứng viêm loét đại tràng, thịt quá nhiều mỡ có thể là “tin xấu”. Hãy chọn những miếng nhiều nạc, khi ăn cố gắng nhai kỹ. Thịt ở dạng nghiền, chẳng hạn như thịt viên, nước xốt thịt... nói chung dễ dung nạp hơn một miếng cắt thô, như bít tết chẳng hạn.
Cà phê và trà. Cà phê có thể khiến bạn đi tiểu nhiều ngay cả khi bạn không bị bệnh đường ruột gây viêm như viêm loét đại tràng, và có thể khiến việc kiểm soát triệu chứng trở nên đặc biệt khó khăn đối với người bị bệnh này. Tác động cũng như vậy đối với trà và các thức uống có caffeine khác, cũng như những sản phẩm chứa guarana, một chất kích thích thường được tìm thấy trong các loại nước uống tăng lực.
Thực phẩm nhiều chất béo. Đồ gia vị và nước xốt nhiều chất béo đôi khi có thể kích hoạt những triệu chứng viêm loét đại tràng. Một số người thậm chí gặp rắc rối với bơ đậu phộng, vốn cũng chứa nhiều chất béo lành mạnh.
Người bị viêm loét đại tràng nên hạn chế dùng cà phê, chocolate... - Ảnh: Shutterstock |
Chocolate. Đường và caffeine, 2 thành phần nổi trội nhất của chocolate, có thể góp phần gây co thắt bụng và làm tăng số lần đi tiêu ở người bị viêm loét đại tràng, đặc biệt trong lúc bệnh đang bùng phát.
Rượu bia. Nhiều loại rượu khác nhau tác động tới cơ thể bạn theo nhiều cách khác nhau, nhưng nói chung, chúng có thể kích thích ruột và gây tiêu chảy. Có những bệnh nhân thường bị đầy hơi và chướng bụng nếu uống bia hoặc nước giải khát có ga.
Hạt. Có thể gây khó chịu trong tiêu hóa cũng như trong cử động ruột nếu không được nghiền hoặc phân hủy thích hợp. Nhưng trừ phi bạn bị dị ứng, bạn không nên từ bỏ hoàn toàn những loại hạt có lợi cho sức khỏe.
Bạn cũng cần lưu ý khi sử dụng các sản phẩm sữa. Nếu cơ thể bạn không dung nạp lactose, ăn các sản phẩm sữa có thể gây ra những triệu chứng như bệnh viêm đường ruột. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những ai mắc bệnh về ruột đều phải kiêng sữa. Theo các chuyên gia, tình trạng không dung nạp lactose có liên quan đến một enzyme cụ thể. “Cách duy nhất để biết là thử uống một ly sữa hay dùng một ít sản phẩm từ sữa và để ý xem bạn có cảm thấy tệ hơn sau đó hay không”, Giáo sư chuyên ngành dạ dày - ruột Sunanda Kane thuộc Bệnh viện Mayo (Mỹ) tư vấn.
Quyên Quân
(Theo Thanhnien Online)