Đau dạ dày là chứng bệnh mà Đông y gọi là vị thống hay vị quản thống. Trạng thái đau có lúc ê ẩm hoặc đau mạnh, lúc tăng lúc giảm, có kinh đau lan sang sườn, đau xuyên ra sau lưng, đau lan lên vai (đau lan truyền theo đường đi của dây thần kinh phế vị), kết hợp thấy bụng đầy trướng, ợ hơi, ợ chua, có khi nôn nước chua, bụng cồn cào... Nếu nặng có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Bệnh có thể chữa khỏi nhưng về sau có thể tái phát.
Hải Thượng Lãn Ông nói: “Đau ở bụng trên (tức là đau ở dạ dày) phần nhiều là do hàn trệ, phong, thấp, đình, thực gây nên... Do đó phép chữa: hàn thời ôn, trệ thời hành, phong thời tán, thấp thời táo, thực thời hóa, làm cho âm dương thăng bằng, doanh vệ thông suốt thời khỏi bệnh”.
Đông y cũng cho rằng nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh: Một là do tình chí uất ức, lo nghĩ giận giữ quá mức làm cho khí uất sinh tổn thương cho can. Can mộc mất chức năng so tiết làm ảnh hưởng đến dạ dày không hòa giáng được mà sinh bệnh. Hai là do ăn uống không điều độ, no đói thất thường hay thích ăn đồ sống lạnh làm tổn thương cho tỳ và vị như ăn nhiều thức chua thời can khí quá thịnh, tỳ thổ bị can mộc thừa khắc mà sinh bệnh.
Hoặc theo Lý Đông Viên nói rằng: ăn uống không điều độ tức khắc vị lâm bệnh trước. Song cũng có thể tỳ, vị bất túc, dương khí suy kém, hàn tự trong sinh ra lại gặp ngẫu nhiên khi cơ thể đang lúc mệt nhọc, hàn tà xúc phạm, ăn uống không thận trọng đã làm tỳ không thể vận hóa. Căn cứ vào lý luận trên nhận thấy trong phép trị liệu chứng viêm loét dạ dày là cần phải sử dụng thuốc như thế nào để vừa nâng đỡ cơ thể, vừa điều hòa tỳ vị, nhuận gan, chống táo bón, đồng thời phải có thuốc để bao che và chống viêm niêm mạc dạ dày vùng đang có ổ viêm loét, chống ợ hơi, đầy hơi, chống ợ chua cồn cào, kết hợp giảm đau, an thần...
Đạt được tiêu chí này xin giới thiệu phương thuốc sau đây:
Thành phần dược liệu gồm: Long đởm thảo 300g, ô tặc cốt 1.000g, mẫu lệ 1.000g, kim anh tử 500g, đạm đậu xị 1.000g, mạch nha 1.000g, long nhãn 500g, mật ong 300g, cao ban long 200g (không có thì thay bằng cao động vật khác hoặc a giao).
Xét theo tính dược của từng vị thuốc có trong phương trên thấy rằng:
Long đởm thảo có tác dụng làm thuốc bổ, kích thích tiêu hóa, tiêu viêm loét, giảm đau trong các bệnh dạ dày, đường ruột. |
- Long đởm thảo có tính hàn, lạnh, vị đắng, công năng an tạng, sát khuẩn, trừ nhiệt độc, trị gan bị bệnh, kích thích tiêu hóa, làm khỏe dạ dày. Có tác dụng làm thuốc bổ, kích thích tiêu hóa, tiêu viêm loét, giảm đau trong các bệnh dạ dày, đường ruột.
- Ô tặc cốt (mai mực): Tính hơi ấm, vị ngọt mặn, không độc. Trong mai mực có chứa calcicarbonate và calciphosphate là vị thuốc được sử dụng trong trị liệu chứng dạ dày thừa nước chua, loét dạ dày chảy máu.
- Mẫu lệ (vỏ con hầu): Tính hơi hàn, vị mặn, chát, không độc, đi vào can, thận, đởm, thu liễm, trừ tà nhiệt. Trong mẫu lệ chứa 95% canxi cacbonnat và canxi phốt phát, dùng làm thuốc trị đau dạ dày thừa nước chua.
- Kim anh tử: Được sử dụng làm thuốc cầm máu (chứa nhiều vitamin C), làm mạnh dạ dày, ruột.
- Đạm đậu xị (đậu đen lên men): Tính mát, vị đắng, không độc, kiêm bổ và công, làm mạnh tiêu hóa, chống các chứng đầy hơi, táo bón...
- Mạch nha: Tính ôn, bổ tỳ phế. Có tác dụng bổ trung ích khí, mạnh dạ dày.
- Long nhãn: Tính ấm bình, vị ngọt, không độc, bổ ích tâm tỳ, tăng sức khỏe.
- Mật ong: Tính bình, vị ngọt, không độc, đi vào tâm, phế, tỳ, vị, đại tràng. Chữa tỳ, vị hư, đau loét dạ dày, ruột, làm giảm độ chua của dịch vị, làm hết đau xót của dạ dày viêm loét.
- Cao ban long: Chứa nhiều kanatin cùng chất gelatin, có tác dụng cầm máu, bồi bổ cơ thể, chống chảy máu dạ dày, nôn ra máu, làm vết thương chóng lành, chữa loét dạ dày và ruột.
Dưới đây xin giới thiệu cách bào chế và liều dùng.
Cách bào chế: Chọn hạt đậu đen to béo cho vào nước vo gạo, loại bỏ những hạt nổi, ngâm một đêm. Sau vớt ra cho vào rá để ráo nước đem đồ chín, bỏ ra mẹt rải đều, chờ khi đậu còn hơi ấm phủ lên một lớp thanh hao dày, để 3-4 ngày thấy mốc lên vàng đều là được (lưu ý đừng để mốc lên nhiều quá). Đem đậu phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp rồi sảy hết mốc. Cuối cùng lấy nước tưới vào đậu đem đồ lại lần nữa, phơi khô tán bột cất sử dụng dần.
- Mẫu lệ và mai mực thiêu tồn tính, tán nhỏ thành bột.
- Long đởm thảo cũng tán bột nhỏ.
- Kim anh tử, long nhãn đem nấu thành cao lỏng rồi lấy cao ban long trộn vào cho tan, bỏ cả mạch nha và mật ong vào trộn đều.
Sau khi làm xong các chất lỏng trên, lấy các bột đã tán trộn đều với nhau rồi mới cho vào cao lỏng hỗn hợp mà đánh trộn cho tan đều. Sau đó vo viên hoặc làm thành cốm, sấy khô cho vào lọ dùng dần.
Cách sử dụng: Trị đau dạ dày: ngày uống 30-50g, chia 2 lần vào trước bữa 1 nửa giờ. Một liệu trình là 30 ngày.
Trị suy nhược cơ thể, bồi bổ thần kinh: Ngày uống 20-40g chia 2 lần vào trước bữa ăn nửa giờ.
Trẻ em uống ngày 20-30g, chia 2 lần uống trước bữa ăn, chiêu với nước sôi để nguội.
Kiêng kỵ: Không sử dụng cho người khi đang bị tiêu chảy hay đang sốt.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)