Xoa bóp - bấm huyệt, tập luyện là một bước quan trọng trong phòng và điều trị thoái hóa khớp cổ chân giúp duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn để có thể “sống chung” với viêm khớp.
Xoa bóp cổ chân:
Để người bệnh nằm ngửa, co chân đau trong tư thế thoải mái.
- Xoa và day xung quanh cổ chân: dùng ngón tay day thành vòng tròn nhỏ liên tục hõm trước cổ chân, mắt cá trong, mắt cá ngoài. Day từ nhẹ đến mạnh, từ trên xuống dưới để làm lưu thông huyết mạch.
- Day ấn từ nhẹ đến mạnh các huyệt Giải khê (lấy ở trên nếp gấp trước khớp cổ chân, ở chỗ lõm giữa hai gân cơ, bảo người bệnh vểnh bàn chân để hiện rõ), Côn lôn (nằm ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ sau gân gót) và Thái khê (nằm ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá trong và bờ sau gân gót), mỗi huyệt chừng 1 phút.
- Xác định điểm đau nhất, dùng ngón tay cái xoa day từ nhẹ đến mạnh, đồng thời nói bệnh nhân nhẹ nhàng cử động khớp cổ chân.
Vận động khớp cổ chân:
Quay cổ chân: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc đứng bên cạnh gần cẳng chân; một tay giữ gót chân người bệnh, tay kia nắm phía đầu bàn chân; quay cổ chân người bệnh 2 - 3 lần; rồi đẩy bàn chân vào ống chân (co tối đa) sau đó duỗi bàn chân đến cực độ.
Lắc cổ chân: thầy thuốc đứng phía dưới, hai tay ôm cổ chân người bệnh, hai ngón cái để trên mắt cá trong và mắt cá ngoài, dùng gốc bàn tay đẩy đưa gót chân người bệnh vào trong, ra ngoài 2 - 3 lần.
Kéo giãn cổ chân: bệnh nhân vẫn nằm thẳng, thầy thuốc đứng bên cạnh, một tay giữ gót chân, tay kia nắm bàn chân, cùng một lúc kéo hai tay về phía dưới để cổ chân dãn ra, kéo vài lần.