Thoái hóa khớp là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương.
Các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp bao gồm tuổi tác, tình trạng béo phì, chấn thương nhẹ và mạn tính ở khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lão hóa, chức năng chống đỡ của sụn bị suy giảm và dễ hư hỏng khi khớp cử động. Thêm vào đó, các chấn thương nhẹ nhưng kéo dài nhiều năm do khuân vác đồ nặng cũng làm tăng gánh nặng cho các khớp, khiến sự thoái hóa thêm trầm trọng. Ngoài ra, yếu tố di truyền và di chứng từ các bệnh lý khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố liên quan
Các bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân chính xác nào gây ra bệnh thoái hóa khớp cổ chân mà chỉ đưa ra một số yếu tố liên quan như:
Tuổi tác: đây là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng thoái hóa khớp cổ chân, vì theo thời gian tuổi càng cao thì xương khớp sẽ diễn ra một quá trình thoái hóa khớp tự nhiên. Chính vì đây là quá trình tích tụ lâu dài nên bạn cần phải biết để đề phòng ngay từ bây giờ.
Vận động mạnh: thường xuyên vận động mạnh có thể dẫn tới tình trạng tổn thương các cơ, gân và làm tổn thương sụn khớp. Lâu dần ngày càng bào mòn các đầu sụn dẫn tới thoái hóa khớp nghiêm trọng. Khớp được sử dụng quá nhiều trong công việc, nhất là trong trường hợp khớp bị biến dạng bẩm sinh hoặc do mắc các bệnh làm thay đổi hình thái khớp xương.
Do bệnh: một số các bệnh viêm khớp mãn tính hủy hoại sụn dẫn tới việc khớp bị thoái hóa ví dụ như các bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút…
Các chấn thương khớp: nhiều chấn thương nhỏ ở cổ chân cộng lại do chơi thể thao hoặc bệnh nghề nghiệp khó tránh khỏi như: vận động viên điền kinh, cầu thủ bóng chuyền, quần vợt hay bóng đá, khớp cổ chân của diễn viên múa làm mất đi sự cân bằng của khớp và dây chằng.
Các triệu chứng
Bệnh về khớp có hai triệu chứng:
- Đau khi vận động, hết đau khi nghỉ ngơi. Thường là triệu chứng của lão hóa khớp háng, khớp gối, bệnh về dây chằng, hội chứng loãng xương.
- Đau tự nhiên, không làm gì cũng đau, thường đau về đêm, lúc gần sáng, chỗ đau sưng, đỏ, sờ vào cảm giác nóng. Thường là viêm khớp cấp, viêm khớp phản ứng, nhiễm trùng xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng gút có axít uric cao.
Người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ chân khi mắc phải, sau đó là cảm thấy vướng víu khi vận động. Các cơn đau nhói có thể xảy ra bất chợt hay khi gắng sức hoặc ấn vùng khớp cũng như va đập. Mức độ các cơn đau dao động từ nhẹ đến nặng, tăng trong quá trình vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Những đau đớn này làm giảm biên độ hoạt động của khớp cổ chân, kéo dài trong một thời gian dài sẽ dẫn tới bệnh teo cơ và trong một số trường hợp còn có thể gây biến dạng xương.
Có thể gây ra các phản ứng viêm như: sưng nóng đỏ ở khớp cổ chân, hoặc nặng hơn là tràn dịch khớp kéo theo các cơn đau suốt ngày đêm.
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp cổ chân
Mục tiêu chính của điều trị là giảm đau, gia tăng tầm độ hoạt động khớp, cải thiện sức chịu lực của khớp và sức cơ quanh ổ khớp, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng gây biến dạng khớp. Mục tiêu đề ra còn tùy thuộc yêu cầu của từng bệnh nhân.
Có nhiều chọn lựa trong phương pháp điều trị, hoặc riêng rẽ hoặc phối hợp: điều trị bảo tồn (nằm nghỉ, thuốc men, tập luyện nhẹ nhàng, giảm trọng lượng, vận động trị liệu…), phẫu thuật. Kế hoạch điều trị cần kết hợp các biện pháp khác: thay đổi thói quen sinh hoạt để cải thiện toàn diện sức khỏe, tập luyện hàng ngày; sử dụng thuốc…
Theo SKDS