Toàn quốc ghi nhận 5 ca tử vong sau khi tiêm chủng
Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 5 trường hợp tử vong sau tiêm vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem, không phải 9 trường hợp như nhiều báo nêu gần đây.
Theo kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế, trong số năm trường hợp tử vong nêu trên có bốn trường hợp không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắcxin, một trường hợp chưa chẩn đoán được nguyên nhân tử vong.
Thông tin trên được Bộ Y tế cải chính khi thời gian gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng và tại buổi thảo luận ở hội trường của một số đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XIII rất quan tâm đến quyết định Bộ Y tế cho tạm dừng sử dụng vắcxin 5 trong một Quinvaxem và một số khó khăn ngành y tế đang đối mặt.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù chưa có bằng chứng chứng minh các trường hợp tử vong có liên quan đến vắcxin, các trường hợp tử vong trên có thể là sự trùng hợp vì tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi tại Việt Nam là 15,8 %o, hoặc do các bệnh khác như viêm phổi, tim mạch… nhưng để thận trọng hơn và đảm bảo an toàn tối đa cho tiêm chủng, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin Quinvaxem (dự kiến trong khoảng ba tháng).
Nguyên nhân việc tạm dừng vắcxin trên là để các cơ quan chuyên môn phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và các nhà khoa học khác trên thế giới tiến hành đánh giá tổng thể về vắcxin này ở Việt Nam và gửi các lô vắcxin sang phòng kiểm định độc lập tại nước Anh để kiểm định lại chất lượng.
Dưới góc độ chuyên môn, Bộ Y tế khẳng định việc tạm ngừng sử dụng vắcxin nêu trên là một thực hành thông thường trong chương trình tiêm chủng; thời gian tạm ngừng sử dụng từ 1-3 tháng không ảnh hưởng đến việc đáp ứng miễn dịch của trẻ.
Người đứng đầu ngành y tế khẳng định sẽ cử cán bộ tham dự cuộc họp toàn cầu về an toàn tiêm chủng, trong đó có xem xét vấn đề về vắcxin Quinvaxem. Nếu xác định chất lượng vắcxin Quinvaxem không phải nguyên nhân gây ra các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục sử dụng vắcxin này. Trường hợp xác định nguyên nhân do vắcxin Quinvaxem thì sẽ sử dụng vắcxin khác thay thế.
Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng vào tháng 9 năm 2006 và đã được sử dụng ở hơn 90 nước trên thế giới với tổng số hơn 400 triệu liều đã được sử dụng.
Sau bốn năm sử dụng ở các nước khác trên thế giới, được Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng thế giới (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và sau khi thực hiện quy trình đánh giá về hiệu lực và an toàn của vắcxin tại Việt Nam.
Năm 2010 Bộ Y tế Việt Nam đã đưa Quinvaxem vào sử dụng tại Việt Nam. Tổng số liều đã nhận từ viện trợ là khoảng 16,2 triệu, trong đó đã cấp phát 15,2 triệu liều, chiếm 4,1% so với số liều mà các nước trên thế giới đã sử dụng.
Theo Vietnam+