Vấn nạn thuốc giả gây hậu quả chết người hoặc bị trúng độc ở người dùng. Trước thực trạng này các nhà khoa học vừa phát hiện ra thiết bị giúp phát hiện nhanh thuốc giả.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) thì thuốc giả chiếm khoảng 10 - 30% tổng số lượng thuốc chữa bệnh lưu hành trên thị trường hiện nay.
Thực trạng thị phần thuốc giả
Theo WHO, năm 2012, một vụ scandal đau lòng diễn ra tại Lahore, thành phố đông dân thứ hai của Pakistan làm cho 200 người chết vì thuốc chữa bệnh tim rởm có chứa độc tố dùng trong việc điều trị bệnh sốt rét. Ngoài 200 người thiệt mạng còn có hơn 1.000 người khác bị trúng độc ở mức độ khác nhau. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ liên quan đến thuốc giả diễn ra ở các nước đang phát triển do nạn dược giả gây ra.
Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ ở các nước phát triển, nạn thuốc giả đang có nguy cơ "phủ sóng" toàn cầu. Bởi theo FDA, tại Mỹ và các nước đang phát triển có trên 1% số thuốc chữa bệnh đang được lưu thông là thuốc giả, phổ biến như viagra, tamiflu và botox, thậm chí cả những loại thuốc giả rẻ hay thuốc ít phổ biến cũng không tránh khỏi tình trạng này như thuốc adderall dùng chữa bệnh thiếu hụt chú ý cũng chứa đựng cả thành phần thuốc giảm đau, thậm chí có cả những loại thuốc chỉ có chứa bột hoặc pha trộn nhiều thành phần nguy hiểm cho sức khỏe con người, kể cả bột đá nghiền.
Những cách phát hiện thuốc chữa bệnh giả
Phải nói ngay rằng, việc phát hiện các thành phần bất hợp pháp hoặc nguy hiểm có trong thuốc chữa bệnh không hề đơn giản. Nếu phát hiện nguồn gốc thì không có vấn đề gì bởi phần lớn là sản phẩm của các hãng dược phẩm có tiếng tăm đã được đăng ký bản quyền, còn sản phẩm rởm thì lại rất đa dạng.
Muốn phân tích thành phần phải cần đến những phương tiện tốn kém và phức tạp. Ví dụ như thiết bị Minilab của hãng Global Pharma Health Fund chế tạo là hệ thống xét nghiệm cồng kềnh tốn kém, nó yêu cầu cần phải trộn hóa chất vào thuốc đã nghiền nhỏ và đưa vào dưới ánh đèn tia cực tím, đặt trong hai hòm cực nặng và phải chờ đợi trong thời gian khá lâu mới cho kết quả.
Để khắc phục tình trạng này, một nhóm chuyên gia ở ĐH Boston Mỹ (BU) do ông Muhammed Zaman đứng đầu vừa phát minh ra một thiết bị cầm tay có thể phát hiện nhanh thuốc giả ngay tại chỗ, rất phù hợp cho những cho mục đích sử dụng trong cộng đồng dân cư, trong bệnh viện hay trung tâm y tế... Thực chất, đây là một loại máy quét scanner cầm tay có tên Pharmacheck.
Nguyên lý làm việc của Pharmacheck là sử dụng mẫu thuốc đã được hòa tan và đựng trong cốc thủy tinh nhỏ, đặt trong máy. Sau đó dịch thuốc được dẫn vào một con chíp có kích thước bằng một con tem. Tại đây, nó kết hợp với một phân tử được thiết kế sẵn làm nghiệm vụ duy nhất là chỉ liên kết với một loại thuốc cần thử.
Quá trình liên kết diễn ra ở một cực huỳnh quang, ánh sáng của nó sẽ được phân tích bằng một camera siêu nhỏ di động và chỉ sau 15 phút sẽ cho biết kết quả ngay. Nó cho biết chất lượng của thuốc, thành phần hữu ích, mức độ hòa tan...
Lợi thế của Pharmacheck là nhanh, rẻ tiền, độ tin cậy cao, thậm chí có thể biết được chất lượng của thuốc vì tại các nước đang phát triển người ta còn cho cả những thành phần khác vào thuốc như dầu động vật, mùn cưa, bột ngũ cốc... Nếu máy phát tín hiệu có tần suất mạnh, đồng nghĩa độ "rởm" của thuốc càng cao và độc hại càng lớn, còn tín hiệu yếu có nghĩa là thuốc không chứa đủ thành phần hoạt hóa chữa bệnh cần thiết, nhất là ở nhóm thuốc kháng sinh.
Nếu sử dụng những sản phẩm này không chỉ gây hiện tượng kháng thuốc kháng sinh mà còn gây nhiều hậu quả khác cho con người, nhất là khi dùng dài kỳ. Qua thử nghiệm trên thuốc oxytocin (thuốc co tử cung) cho thấy kết quả tốt, độ tin cậy cao. Hiện nay nhóm đề tài đang tiếp tục những thí nghiệm mới và tiến hành cải tiến để giảm giá thành, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, nhất là ở các nước nghèo đang phát triển.
Ngoài thiết bị nói trên, FDA hiện đang thực hiện nhiều dự án nhằm cho ra đời các loại máy quét thế hệ mới có thể xác định được các hoạt chất hữu ích của thuốc. Một trong những thiết bị tiên phong có tên CD-3. Đây là máy quét cầm tay chiếu tia cực tím, ánh sáng hồng ngoại lên mẫu thuốc, hình ảnh thu được đem đối chiếu với mẫu thật, nếu có khác biệt thì đó là thuốc giả.
Hiện tại, FDA đã phê duyệt cho sử dụng 30 chiếc CD-3 tại các cửa khẩu, sân bay - nơi thường xuyên phải kiểm soát các loại thuốc nhập ngoại. CD-3 có khả năng phát hiện số lượng lớn (theo lô) không có khả năng phát hiện được chi tiết như máy Pharmacheck.
Hãng Sproxil Co. của Mỹ mới đây đã phát triển một phương pháp đơn giản để chống nạn thuốc giả ở các quốc gia đang phát triển bằng cách gắn vào mỗi gói thuốc một mã số nhận dạng duy nhất được tráng một lớp che phủ mỏng. Muốn biết thật giả, chỉ cần lấy móng tay cạo lớp sơn phủ này là hiện ra mã số thuốc (ID), giống như thao tác trên thẻ cào.
Hiện tại, Sproxil Co. đang thử nghiệm dự án này tại Nigeria, Kenya, Rwanda và một số quốc gia đang phát triển khác. Ngoài nhận dạng bằng mã ID, Verayo, hãng chuyên sản xuất chíp nhận dạng tần số vô tuyến hợp tác với hãng SkyeTek chế tạo thành công đầu đọc RFID, để chống hàng giả, đặc biệt là thuốc giả ở châu Phi. Các chíp RFID có kích thước rất nhỏ được cài vào trong các gói thuốc, khi lưu thông, cả nhà thuốc lẫn người tiêu dùng sẽ có thể quét các thẻ bằng đầu đọc RFID là biết được thuốc thật hay giả.
Theo VNmedia