Bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại tỉnh Bình Phước hiện nay đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh lây lan nhanh, bệnh viện đang dần quá tải bệnh nhân mắc SXH. Làm thế nào khống chế SXH, phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn BS. Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Bình Phước.
PV: Thưa ông, vì sao bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện diễn biến phức tạp như vậy?
BS. Tô Đức Sinh: Thống kê của chúng tôi hiện nay cho thấy, có gần 1.150 người mắc SXH, 45 ổ dịch và có 2 ca tử vong. Riêng thị xã Đồng Xoài đã xuất hiện 9 ổ dịch nguy hiểm với gần 250 ca nhiễm virut SXH. Theo chu kỳ hàng năm thì hiện nay mới là giai đoạn đầu của mùa dịch và tình hình SXH trong toàn tỉnh có nguy cơ tiếp tục lan rộng và bùng phát mạnh hơn. Thời tiết mưa nắng thất thường tại tỉnh Bình Phước là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi... Năm nay, tại thị xã Đồng Xoài và huyện Bù Gia Mập có số người mắc SXH cao gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thực tế, chúng ta chưa thể tiêu diệt hết được mầm bệnh, đặc biệt là về mùa mưa lại rất dễ bùng phát. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thừa nhận là chúng ta làm vệ sinh phòng bệnh SXH chưa tốt, lăng quăng (bọ gậy) chưa bị tiêu diệt một cách triệt để, thậm chí có tình trạng nhiều nơi để phế phẩm ứ đọng nước chứa lăng quăng rất nhiều.
PV: Còn về phía ngành y tế thì sao? Chúng ta đã chủ động phòng và hướng dẫn người dân phòng bệnh chưa, thưa ông?
BS. Tô Đức Sinh: Ngành y tế đã tổ chức các biện pháp phòng chống, triển khai các biện pháp phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, ngăn cản sự lây nhiễm trong cộng đồng và bùng phát thành dịch, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao biện pháp giám sát, phát hiện xử lý dịch. Đặc biệt, 3 huyện, thị có số ca mắc tăng cao Bù Gia Mập có 334 trường hợp mắc SXH, thị xã Đồng Xoài 274 ca và thị xã Phước Long 168 ca. Hiện lực lượng y tế dự phòng của tỉnh Bình Phước cũng đã chủ động phun thuốc phòng chống dịch tại các ổ dịch và địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, tuyên truyền người dân nên phối hợp cùng ngành chức năng chủ động phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của chúng tôi là vấn đề kinh phí và trang thiết bị chưa được bảo đảm, địa bàn dân cư rộng, ý thức người chưa cao, còn có tâm lý phó mặc phòng dịch là của ngành y tế. Hiện nay, đối với hai huyện có nhiều ca SXH là huyện Bù Gia Mập và thị xã Đồng Xoài, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ trung tâm y tế xuống tận các xã để kiểm tra người dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường phòng chống SXH.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo SKDS