Đấu thầu thuốc bệnh viện: Vì chất lượng hay giá cả?
Giảm giá, có... giảm chất?
Bộ Y tế vừa cho biết việc đấu thầu thuốc vô BV công lập đã có bước tiến triển khi giá cả các mặt hàng thuốc vô mỗi BV đã bớt chênh lệch so với trước đó. Đồng thời, giá cả cũng đã “mềm” hơn chứ không còn “nhảy múa”. Đây là đánh giá sơ bộ công tác đấu thầu mua thuốc trong một số cơ sở y tế theo Thông tư 01 và Thông tư 11 nói trên từ đầu năm 2013 đến nay. Qua khảo sát kết quả trúng thầu thực hiện theo hai thông tư mới cho thấy, việc đấu thầu đã tiết kiệm được đáng kể chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế so với năm trước. Chẳng hạn như Sở Y tế Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỷ đồng (24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỷ đồng (xấp xỉ 20%); Sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được 32 tỷ đồng (25%)... Còn tại TPHCM, mặc dù chưa tổng hợp kết quả trúng thầu mua thuốc của các BV, nhưng sau khi tìm hiểu sơ bộ, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết cũng có xu hướng trị giá mua thuốc giảm hơn chút ít nhưng không đáng kể vì cơ cấu bệnh tật tăng. Tuy nhiên, về quy mô cả nước, sau khi so sánh giá 10 mặt hàng thuốc trúng thầu tại một số cơ sở y tế năm 2012 (được đấu thầu theo Thông tư cũ) và năm 2013 (theo Thông tư mới) thì giá đã giảm từ 5,6% đến 34,64%. “Nếu với đà này thì tiết kiệm được khoảng 20%-30% chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế”, một lãnh đạo Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết. Điều này cũng đồng nghĩa người bệnh, nhất là diện bảo hiểm y tế sẽ được hưởng giá thuốc hợp lý và giảm bớt áp lực cho Quỹ Bảo hiểm Y tế.
Mục tiêu Thông tư 01 và Thông tư 11 là giúp việc đấu thầu thuốc vào BV có nề nếp nhưng quan trọng hơn hết là đưa giá thuốc về mức hợp lý, tránh chênh lệch giữa các cơ sở y tế. Do đó, hầu hết các cơ sở y tế đều chọn trúng thầu với thuốc giá rẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quan ngại, liệu giá rẻ có đồng hành với chất lượng! Một chuyên gia dược của BV Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng cùng một loại thuốc Paracetomol sản xuất trong nước nhưng nếu nguyên liệu nhập từ châu Âu sẽ có chất lượng và giá cả cao hơn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. “Nếu chọn thuốc trúng thầu giá rẻ nhưng uống không hết bệnh hoặc phải uống tới 5-10 vỉ mới hết bệnh thay vì uống 1 vỉ thuốc giá cao một chút mà chất lượng thì vẫn tiết kiệm hơn nhiều”, vị chuyên gia dược học phân tích.
Bệnh viện “hiểu nhầm”
Dư luận các công ty dược sản xuất trong nước không khỏi băn khoăn vì trong đợt đấu thầu thuốc vô BV năm 2013 theo Thông tư 01 và Thông tư 11, các công ty đã “đạp” giá nhau chí tử. Lãnh đạo một công ty dược cho biết đã mất hết thị phần ở các cơ sở truyền thống vốn trúng thầu từ các năm trước vì bị cạnh tranh giá… quá rát. Trong khi các BV do hiểu chưa hết quy định về xét trúng thầu nên cứ thấy thuốc nào giá rẻ, đủ điều kiện về chất lượng là cho trúng. Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo UBND TPHCM, ông Lê Thanh Sử, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm 3-2, cũng bức xúc vì chủ trương trúng thầu thuốc vô BV là lấy giá rẻ nhất. “Công ty sử dụng nguyên liệu tốt, cho chất lượng thuốc tốt thì không thể cho giá rẻ. Nhà máy đầu tư tốt cũng chi phí nhiều mà đòi hỏi giá trúng thầu thấp thì chưa hợp lý”, ông Sử nói.
Cũng theo ông Sử, quy định đấu thầu thuốc vô BV nêu rõ là điều kiện xác định giá thuốc thấp nhất nhưng các BV “hiểu nhầm” là giá thấp nhất. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Thông tư 01 đã tạo điều kiện để hầu hết các doanh nghiệp dược đạt GMP - WHO trong nước có thể tham gia đấu thầu nhưng nếu chỉ chọn một sản phẩm có giá rẻ nhất thì liệu một doanh nghiệp đó có thể cung ứng nổi cho cả khu vực, thậm chí cả nước. Hơn nữa, do chạy theo “giá thấp” nên không ít doanh nghiệp dược đã tiết giảm chi phí, nhập nguyên liệu giá rẻ nên khó tránh được chất lượng không cao! Thực tế, đã không ít công ty dược vốn có uy tín về chất lượng nhưng giá cao đã rớt thầu ở nhiều BV trong đợt đấu thầu năm 2013. Thậm chí, để giữ uy tín chất lượng, có công ty dược thẳng thừng tuyên bố không tham gia đấu thầu thuốc vô BV.
Theo các chuyên gia dược học, việc đấu thầu thuốc vô BV theo Thông tư 01 và 11 chưa quy định cụ thể việc ưu tiên những mặt hàng thuốc đã được thử nghiệm tương đương sinh học (có hiệu quả điều trị tương đương thuốc gốc), chưa quy định ghi rõ bảng điểm như thế nào là nhà phân phối thuốc tốt mà đánh đồng giữa các doanh nghiệp có thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và chưa có GSP… Mặt khác, Thông tư 01 vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về việc ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, chưa đưa ra được các điều kiện để đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của đơn vị tham gia đấu thầu và đơn vị mời thầu. Chưa có quy định ràng buộc các đơn vị khám chữa bệnh phải thanh toán đúng thời hạn; phải lấy hết số lượng thuốc đã trúng thầu. Trong khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu khi trúng thầu phải đảm bảo giữ giá và cung ứng đủ hàng trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng thầu… Nghĩa là trách nhiệm doanh nghiệp dược thì nhiều mà quyền lợi lại ít. Điều đó cho thấy, cơ quan quản lý hướng về người bệnh, vì người bệnh, nhưng chưa hài hòa lợi ích để doanh nghiệp dược trong nước phát triển.
Theo SGGP