Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về thực trạng và vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam, các giáo sư, chuyên gia về côn trùng học đã đưa ra thông tin cần cảnh giác với bọ xít hút máu người.
GS.TS Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết: so với những loại côn trùng khác như ruồi, muỗi, bọ xít hút máu người là loại côn trùng nguy hại. Tháng 6, 7, 8, 9 là thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu người. Tại thời điểm này, ổ bọ xít hút máu người đã phát tán tại 20 tỉnh phía Bắc và 29 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo thống kê, trong 68 trường hợp bị bọ xít hút máu người đốt có đến gần 50% là trẻ em. Mỗi năm loài này chỉ cần hút máu từ 1 - 3 lần là có thể sống sót suốt vòng đời.
Bọ xít hút máu người gây tổn thương ở da.
Chuyên gia về côn trùng Viện Nghiên cứu phát triển Pháp cho biết: Khi nghiên cứu tại Việt Nam, tôi nhận thấy tốc độ lan rộng của loài bọ xít này. Trước đây, nó thường xuất hiện ở các vùng ven bờ biển, nhưng ngày càng đi sâu vào đất liền và phát triển nhanh ở các vùng nhiệt đới; Trong khi đó, tại châu Mỹ La tinh đang lan rộng một bệnh dịch mới mang tên Chagas
- một căn bệnh nhiệt đới do ký sinh trùng truyền vào cơ thể con người.
Theo Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, GS.TS. Vũ Quang Côn, loài bọ xít này truyền ký sinh trùng cho người, gây bệnh Chagas - một loại bệnh tim mạch, thần kinh do ký sinh trùng gây ra. Khi ký sinh trùng vào cơ thể người sẽ gây bệnh về huyết khối gây tắc mạch. Người nhiễm ký sinh trùng này không tử vong ngay mà chết từ từ do sức khỏe suy yếu dần.
Người bị bệnh có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Chúng ta còn rất ít hiểu biết về loài côn trùng này, vì vậy chưa thể lượng hết các nguy hại do chúng gây nên. Theo kết quả điều tra cũng cho thấy tỷ lệ có mặt loài bọ xít hút máu ở các đồ đạc trong phòng ngủ là cao nhất (chiếm 53,37%), tiếp đến là ở trên giường ngủ (chiếm 29,33%) và tỷ lệ thấp nhất là các vị trí khác trong phòng chiếm 17,31%.
Các chuyên gia nhận định, tuy chưa có bằng chứng lây bệnh từ bọ xít hút máu người nhưng sự xuất hiện tràn lan và không được kiểm soát như hiện nay, khó đoán định được chúng sẽ gây hiểm họa như thế nào. Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi bị bọ xít đốt không nên gãi để tránh nhiễm khuẩn, sưng tấy. Nếu vết bọ xít cắn sưng to, kèm theo sốt, người dân cần đi khám để được điều trị. Người dân cũng nên soi tìm bọ xít bằng đèn pin và diệt bằng tay, tìm kiếm tại các khe tối trong nhà (kẽ tủ, kẽ giường...) là nơi chúng thường ẩn nấp, làm tổ. Chú ý diệt cả trứng, con non và trưởng thành, phát quang cây cỏ quanh nhà vì đây là nơi các động vật, côn trùng trú ẩn và có thể sẽ xâm nhập vào nhà gây nguy hiểm.
Theo SKDS