Nói đến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tức là truyền virut Dengue nhiều người chỉ nghĩ đến là loài muỗi Aedes aegypti, ít ai ngờ rằng muỗi hổ châu Á cũng không thua kém. Muỗi hổ châu Á có tên gọi là Aedes albopictus.
Muỗi hổ châu Á hút máu, truyền bệnh vào ban ngày.
Người ta gọi là muỗi hổ Châu Á bởi vì do bề ngoài của loài muỗi này có sọc trắng tương tự như bề ngoài của con hổ (Asian tiger mosquito). Một số người còn gọi muỗi hổ châu Á là muỗi rừng ban ngày vì nó có một số đặc điểm là cắn, hút máu vật chủ vào ban ngày. Muỗi hổ châu Á thuộc họ Culicidae và lần đầu tiên Frederick (1894), đặt là Culex albopictus (Culex: con muỗi, vằn; albopictus: trắng). Muỗi hổ châu Á có chân khoang trắng đen, mình nhỏ có màu trắng hoặc đen. Loài muỗi này có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nhưng ngày nay chúng đã có khắp nơi trên các châu lục (trừ châu Nam Cực). Muỗi hổ châu Á sinh trưởng và tồn tại các vị trí gần và xung quanh nhà, trên mạn thuyền, ngay cả mép mái chèo. Muỗi cái đẻ trứng từng chiếc một vào nơi gần với nước như bờ ao hồ, sông, suối hoặc bên bờ chum, vại, lu, lọ đựng hoa, lốp xe hỏng hoặc vỏ dừa có nước (chúng không đẻ trứng trực tiếp vào nước) mạn thuyền, mái chèo. Muỗi cái A. albopictus cắn và hút máu động vật có vú, trong đó có con người và cắn hút máu cả loài chim. Muỗi cái thường hút máu vật chủ một lần là chưa đủ cho sự phát triển của trứng và ấu trùng của nó cho nên chúng thường hút no máu và thậm chí nhiều lần hút máu. Đối với bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), nhiều tác giả cho rằng tác nhân lây truyền virut Dengue từ người bệnh sang người lành chủ yếu là muỗi Aedes aegypti bởi vì loài muỗi Aedes albopictus chủ yếu ở trong rừng và vùng nông thôn, nhưng ngày nay tính chất và đặc điểm này đã thay đổi, muỗi A. albopictus (muỗi hổ châu Á) cũng có khả năng mang mầm bệnh virut Dengue từ người bệnh và truyền sang cho người lành, trong đó có lý do đô thị hóa nhanh chóng cho nên khó phân biệt muỗi hổ châu Á (A.albopictus) với muỗi A.aegypti.
Vai trò truyền bệnh của muỗi hổ châu Á rất đa dạng chứ không đơn thuần chỉ truyền mầm bệnh virut Dengue. Muỗi hổ châu Á ngoài hút máu của người bệnh bị SXHD rồi truyền virut Dengue cho người lành mỗi khi chúng hút máu của những người này thì chúng còn có khả năng truyền virut Tây sông Nile, virut sốt vàng (gây bệnh ngủ kéo dài gặp chủ yếu ở châu Phi), virut viêm não Saint Louis, virut gây bệnh sốt Chikungunva. Hầu như tất cả các loại virut mà muỗi hổ châu Á truyền bệnh đều thuộc loại bệnh truyền nhiễm gây dịch và nguy hiểm.
Tiêu diệt muỗi hổ châu Á góp phần quan trọng phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue
Công việc diệt, bắt muỗi và xua muỗi để tránh muỗi đốt cũng là các biện pháp nói chung trong phòng các bệnh do muỗi đốt như sốt rét, sốt vàng, sốt xuất huyết... Đối với bệnh SXHD thì người ta thấy rằng ở địa phương nào công tác tuyên truyền, giáo dục triển khai tốt với nhiều hình thức khác nhau thì ở địa phương đó sẽ thu được kết quả khả quan. Công tác tuyên truyền và giáo dục được đánh giá là tốt khi mọi người dân hiểu được tác hại của bệnh SXHD cũng như vai trò truyền bệnh của muỗi, đặc biệt là các biện pháp được áp dụng để diệt muỗi và con đẻ (loăng quăng) của chúng có hiệu quả nhất. Nên lưu ý rằng, tuyên truyền bằng mọi hình thức từ trực tiếp qua họp tổ dân phố, xóm, thôn đến việc tuyên truyền gián tiếp qua loa, đài truyền thanh, tờ rơi cần phải có hướng dẫn trực tiếp cho mọi người dân và phải có giám sát thực hiện các biện pháp mới thực sự có hiệu quả cao. Bởi vì rất có thể người dân hiểu nhưng chưa bắt tay vào làm từng việc cụ thể hoặc chưa biết đánh giá kết quả. Việc cầm tay chỉ việc và giám sát công việc của dân làm sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tiêu diệt muỗi, loăng quăng, ví dụ như thay nước sạch như thế nào, dụng cụ đậy các chum vại, lu, bể bước như thế nào mới đạt hiệu quả để muỗi không vào đẻ trứng... Một số nhà nghiên cứu ở nước ta cũng đã nghiên cứu đề xuất thả những loại cá có khả năng ăn loăng quăng, đặc biệt là dùng ấu trùng tôm (mesocyclops) để cho chúng ăn loăng quăng. Tuy nhiên, với phương pháp dùng ấu trùng tôm để ăn loăng quăng thì nhiều nhà nghiên cứu thấy chưa phù hợp với Việt Nam bởi vì ấu trùng tôm còn có khả năng mang ấu trùng giun chỉ (gây bệnh giun chỉ) và ấu trùng giun đầu gai, mà hai loại giun này đang tồn tại ở nước ta.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 1.610 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong ở tỉnh Phú Yên. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có 27.286 ca mắc, 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số mắc giảm 22,9%, tử vong giảm 4 ca.
l Gần đây, hai nhà khoa học Trương Văn Chương và Lê Quang Tiến Dũng (Khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học thuộc Đại học Huế) đã nghiên cứu chế tạo thành công máy phát siêu âm dưới nước, có khả năng diệt cả hai đối tượng tảo và bọ gậy muỗi rất hiệu quả. Theo các tác giả này thì việc dùng sóng siêu âm để diệt bọ gậy là phương pháp diệt muỗi từ gốc. Phương pháp này cho phép diệt 100% loăng quăng trong nước để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét.
Tuy vậy, việc diệt loăng quăng có hiệu quả cũng rất cần kết hợp hài hòa giữa các biện pháp dân gian, hóa chất và biện pháp hiện đại mới thích ứng với điều kiện của mọi người dân.
Theo SKDS