Hỏi:Thường xuất hiện những vết bầm tím trên chân tay, không đau, dân gian vẫn gọi là bị “ma cắn”. Xin bác sỹ cho biết đó là hiện tượng gì?
Nhiều bạn đọc
Trả lời: Những vết bầm tím thỉnh thoảng xuất hiện trên da, chính là tình trạng xuất huyết dưới da. Đặc điểm là không đau, không ngứa, lúc đầu thâm tím, sau tái xanh dần rồi hết trong vòng một hai tuần.
Trong điều kiện sinh lý bình thường, khi mạch máu bị vỡ, nhờ một cơ chế sinh hóa phức tạp, máu sẽ đông lại tại chỗ vỡ, ngăn quá trình chảy máu tiếp tục. Cơ chế này hữu hiệu trong các trường hợp vỡ mạch máu nhỏ, mao mạch. Cơ chế đông máu có sự tham gia của nhiều thành phần: thành mạch máu; tiểu cầu (một loại tế bào máu); nhiều chất sinh hóa được tổng hợp từ gan; một số các vi chất như vitamin K, can xi,…
Bất cứ sự bất thường nào của một trong các thành phần nêu trên đều có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết:
- Do mạch máu: thường gặp nhất là do chấn thương đụng dập làm vỡ mao mạch. Một số các bệnh dị ứng, nhiễm trùng làm giảm sức bền mao mạch cũng gây vết bầm tím. Tình trạng giòn mao mạch bẩm sinh.
- Bệnh tiểu cầu: giảm tiểu cầu vô căn, giảm tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết huyết, giảm tiểu cầu trong các bệnh ác tính như suy tủy, ung thư máu; giảm chất lượng tiểu cầu…
- Rối loạn đông máu: bệnh ưa chảy máu (do thiếu một số yếu tố đông máu); giảm tổng hợp các yếu tố đông máu do suy gan, xơ gan, ngộ độc thuốc; thiếu vitamin K do giảm hấp thu ở ruột, chế độ ăn thiếu chất béo (do vitamin K tan trong dầu mỡ), thiếu chất dinh dưỡng…
Như vậy vết bầm tím có thể là triệu chứng của một trong các bệnh nêu trên. Tuy nhiên đa số trường hợp, ngoài các vết bầm còn kèm các triệu chứng nặng khác buộc người phải đi khám ngay (sốt, mệt, chảy máu răng, chảy máu mũi, đi cầu ra máu, rong kinh,…). Còn lại một số người chỉ thấy xuất hiện một hoặc vài vết bầm, không kèm triệu chứng gì khác, cơ thể vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường, thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Y học gọi là vết bầm tím đơn giản, nguyên nhân không rõ, thường lành tính, có thể quy cho một số nguyên nhân thông thường như giảm sức bền thành mạch do dị ứng, nội tiết, ăn uống thiếu chất béo, kém hấp thu.
Dù sao nếu các vết bầm tím xuất hiện thường hơn, nên đi khám bệnh, làm một số xét nghiệm về máu như huyết đồ, chức năng đông máu, chức năng gan,…để có chẩn đoán chính xác về nguyên nhân bệnh.
BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)