Hỏi : Mới đây nghe truyền hình đưa tin ở Trung quốc lại xuất hiện bệnh lạ do vi trùng chuỗi cầu lây từ lợn. Bệnh đó đã có ở nước ta chưa, xin cho biết rõ thêm một chút về bệnh.
(Nguyễn Quang Hoàng, Hòa Thắng, Phú Hòa)
Trả lời :Chuỗi cầu lợn, tên khoa học là Streptococcus suis là một loại vi khuẩn có hình cầu, dưới kính hiển vi thấy kết với nhau thành từng chuỗi nên gọi là chuỗi cầu hoặc liên cầu. S.suis gây bệnh ở lợn nuôi, nhưng cũng được tìm thấy ở lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Nhiễm trùng ở người được mô tả đầu tiên vào những năm 1960, sau đó các ca mắc được ghi nhận ngày càng nhiều. Chưa thấy báo cáo ở nước ta, có thể do đây không phải là bệnh truyền nhiễm phải khai báo.
Nhiễm trùng ở lợn thường không có triệu chứng, nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm khớp. Lợn non thường mắc bệnh hơn lợn trưởng thành. Vệ sinh chuồng trại kém làm tăng khả năng mắc bệnh của lợn.
Ở lợn mang trùng, S.suis cư trú chủ yếu ở hạch Amidan. Những người có nguy cơ nhiễm trùng cao gồm những người chăn nuôi lợn, thú y, giết mổ lợn, mua bán thịt lợn, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn.
Vi trùng lây nhiễm từ lợn sang người qua các vết trầy xước trên da, nhưng cũng có thể lây qua đường tiêu hóa, niêm mạc. Lây nhiễm từ người sang người chưa được chứng minh. Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Triệu chứng điển hình gồm: sốt và các triệu chứng của viêm màng não: nôn mữa, đau đầu, cứng gáy, giảm phản xạ ánh sáng, mất tri giác. 50% trường hợp bị điếc vĩnh viễn. Có thể bị viêm khớp, viêm phổi.
Chẩn đoán và điều trị sớm bằng kháng sinh đặc hiệu, bệnh có thể hồi phục. Điều trị muộn bệnh có thể bị biến chứng nặng : sốc nhiễm do nhiễm độc tố ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như gan, thận, hệ tuần hoàn. Sốc nhiễm độc tố có tiên lượng xấu, đáp ứng kém với điều trị kháng sinh, cần được điều trị hỗ trợ đặc biệt.
Những trường hợp bệnh mới đây tại Trung quốc đều xảy ra ở những nông dân, có tiếp xúc với lợn bệnh như chăn nuôi, trực tiếp giết mổ, ăn thịt lợn bệnh... Triệu chứng chủ yếu gồm sốt, vật vã, buồn nôn, nôn mữa và các triệu chứng viêm màng não khác; xuất huyết dưới da, sốc nhiễm độc, hôn mê. Những trường hợp tử vong có diễn biến nhanh, có khi chỉ trong vòng một ngày.
Phòng bệnh bằng cách tăng cường vệ sinh chuồng trại. Giáo dục rộng rãi đến mọi người các hiểu biết về bệnh, nhất là những người tiếp xúc với lợn như nông dân, thú y, những người mua bán, giết mổ, chế biến thịt lợn. Khi có dịch cần kiểm soát chặt việc mua bán, vận chuyển thịt lợn; không bán, ăn thịt lợn bệnh ; những người tiếp xúc với lợn bệnh cần bảo hộ bằng áo choàng, găng tay, khẩu trang.
BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)