Vô sinh không rõ nguyên nhân
Khoảng 10% các cặp vợ chồng hiếm muộn có kết quả kiểm tra sức khỏe sinh sản hoàn toàn bình thường nhưng vẫn không thể thụ thai tự nhiên.
Lấy nhau gần 2 năm mà không có con, chị N.T.L (32 tuổi, ngụ TP HCM) âm thầm đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ kiểm tra sức khỏe sinh sản.
Không hiếm gặp
Cầm tờ kết quả cho thấy mình hoàn toàn bình thường trong tay, chị tìm cách nhỏ nhẹ khuyên chồng đi khám. Tính chồng chị L. khá bảo thủ, ban đầu anh phản ứng, cho rằng anh rất khỏe mạnh trong chuyện vợ chồng nên… làm sao vô sinh được. Cuối cùng, anh cũng lẳng lặng tự mình đi khám rồi cầm một tờ kết quả… cũng hoàn toàn bình thường khác về khiến vợ chồng đôi co một thời gian. Cho đến khi cả hai người không ai chịu ai, cùng dắt nhau đi khám lần nữa thì mới biết không chỉ riêng họ mà còn có nhiều cặp vợ chồng khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trường hợp của chị T.T.T.T (34 tuổi) còn oái oăm hơn. Chị T. sống với người chồng trước suốt 5 năm mà vẫn không có con, lần lượt vợ chồng đi khám đều cho kết quả hoàn toàn bình thường. Anh chị cố công đi tìm mọi phương thuốc về uống nhưng vẫn không hiệu quả. Chuyện con cái khiến vợ chồng xích mích một thời gian rồi ly hôn. Sau đó ít lâu, người chồng cưới vợ mới và cô vợ nhanh chóng mang thai khiến chị T. càng chắc rằng bản thân mình “có vấn đề” thật. Chị T. cũng muốn đi bước nữa nhưng sợ không có con. Người yêu phải hết lời động viên, giải thích và cam kết sẵn sàng nhờ đến khoa học hoặc xin con nuôi, chị mới chịu cưới. Không ngờ sau đám cưới 3 tháng, chị T. cũng có tin vui!
ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết có khoảng 30% các trường hợp vô sinh, hiếm muộn là do người vợ, 30% do chồng, 30% do cả hai vợ chồng và 10% không xác định được nguyên nhân cụ thể. “Thực ra cái gì cũng có nguyên nhân nhưng các cơ sở y tế ở nước ta không đủ phương tiện để phát hiện; một số nguyên nhân khác có thể tìm ra được nhưng phức tạp và đắt đỏ và dù có tìm ra đi nữa vẫn phải dùng biện pháp hỗ trợ sinh sản” - BS Tuyết giải thích.
Do “không hợp”?
Trước đây, khi các biện pháp hỗ trợ sinh sản chưa phát triển, có khá nhiều trường hợp như gia đình chị T. - vợ chồng sống với nhau không có con nhưng trong cuộc hôn nhân sau với người khác thì cả hai lại có tin vui. Theo cách nhận định của dân gian là họ “không hợp nhau”. Ngày nay, có nhiều dạng “không hợp nhau” đã được tìm ra nguyên nhân. “Theo các nghiên cứu, trong số những cặp vợ chồng vô sinh không rõ nguyên nhân, có khoảng 20% gặp tình trạng trứng của vợ và tinh trùng của chồng không thể kết hợp được với nhau do một số bất thường trên tinh trùng.
Một số trường hợp hiếm gặp khác như cơ thể của người vợ sản sinh ra kháng thể kháng tinh trùng, làm chết tinh trùng nên cũng không thể thụ thai tự nhiên được. Những nguyên nhân này hiện khoa học có thể tìm ra. Tuy nhiên, việc làm này rất tốn kém, do vậy cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản để tiết kiệm chi phí, thời gian” - ThS-BS Đặng Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản, Khoa Y - ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết.
Theo BS Tuyết, thông thường các cặp vợ chồng vô sinh chưa rõ nguyên nhân sẽ được tư vấn thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung trước, vì phương pháp này ít tốn kém, lại có thể vượt qua “rào cản” của kháng thể kháng tinh trùng. Nếu sau vài chu kỳ bơm tinh trùng vẫn thất bại mới tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, tùy vào một số tình huống, ví dụ như người vợ lớn tuổi và gia đình có điều kiện, có thể thực hiện luôn việc thụ tinh trong ống nghiệm bởi tuổi tác người vợ ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ thành công của các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tại BV Từ Dũ, tỉ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm đạt khoảng 40%-45%, bơm tinh trùng vào buồng tử cung đạt khoảng 18%-20%.
Theo ThS-BS Đặng Quang Vinh, tâm lý bất ổn, quá mong chờ một đứa con cũng có thể là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng khó có con: “Có những trường hợp hai người ở với nhau mãi không có con, tự dưng có dịp đi du lịch xa, thư giãn, nghỉ ngơi vài ngày bỗng có tin vui!”.
Theo NLĐ