Giúp bé vượt qua bỡ ngỡ ban đầu
Một bé gái hơn 9 tuổi, đang học lớp 4, đi học về kể chuyện với mẹ: Mẹ ơi hôm nay ở lớp nhiều bạn bảo nhau: Bọn ấy ơi đừng chơi với bạn M. Bạn ý bị bệnh nan y đấy". Chị L. nghe con nói vậy, hỏi lại ngay: Con có biết bệnh nan y là như thế nào không? Con chị nhanh nhảu trả lời: Con không biết ạ? Chị hỏi tiếp: Thế bạn M. bị sao mà các con lại bảo bạn bị bệnh nan y? Cháu đáp: Vì hôm qua các bạn ý nhìn thấy bạn M. bị chảy máu nhiều, ướt hết quần đồng phục. Cô giáo phải gọi điện cho mẹ bạn ý đến đón về, mẹ ạ. Nghe xong, chị L. hiểu ra vấn đề và giải thích cho con việc bạn M. đang dậy thì và các con không được tẩy chay, xa lánh bạn...
Những tình huống như trên không phải là hiếm khi tuổi dậy thì của con trẻ ngày càng sớm và nhiều cha mẹ chưa kịp dạy con về những kiến thức giới tính.
Khi bé gái dậy thì, các tuyến mồ hôi và tuyến bã trên cơ thể phát triển mạnh, làm cho mồ hôi có mùi khó chịu. Giai đoạn này thường xuất hiện mụn trứng cá trên mặt, da ngực và các vùng khác do các bã nhờn chế tiết. Khi còn bé, ngực của con gái không khác gì con trai. Nhưng lúc dậy thì, bộ phận này bắt đầu thay đổi và lớn dần ra. Lông mọc nhiều hơn, rậm hơn. Bộ phận sinh dục cũng to ra. Các tuyến liên quan đến bộ phận này cũng bắt đầu hoạt động, tiết dịch làm cho bộ phận sinh dục thường xuyên ẩm ướt...
Cùng với các dấu hiệu trên, bé thường tỏ ra lo lắng vô cớ về việc thay đổi trong cơ thể mình. Có bé tâm sự những lo lắng đó với mẹ. Có bé không tâm sự với ai, tự mình loay hoay với những suy nghĩ mông lung tuổi mới lớn.
Dấu hiệu dậy thì ở bé gái thường được đo bằng hiện tượng kinh nguyệt lần đầu bất ngờ, khiến bé lo sợ, bối rối và ngượng ngùng với các bạn, bé cũng trầm tính hơn. Thậm chí một số trường hợp còn không dám đến trường chỉ vì thấy mụn trứng cá mọc đầy trên mặt.
Cha mẹ cần giúp bé vượt qua những bỡ ngỡ tuổi dậy thì bằng việc trang bị cho con kiến thức về sức khỏe sinh sản ngay từ khi còn nhỏ. Cần giúp trẻ hiểu về sự thay đổi cơ thể theo từng lứa tuổi. Những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì (nam trung bình từ 12 - 17 tuổi, nữ từ 10 - 15 tuổi). Đối với bé gái, người mẹ nên nói chuyện với con về kinh nguyệt trước khi bé bước vào tuổi dậy thì, để khi gặp, bé không bị hoang mang, lo lắng, thậm chí có trường hợp còn bị stress. Phải hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh hằng ngày trong những ngày có kinh.
Ngoài ra, các bà mẹ cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Theo SKDS