Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là một bệnh viêm khớp mạn tính gặp chủ yếu ở nam giới dưới 30 tuổi, chưa rõ nguyên nhân. Bệnh tiến triển kéo dài, liên tục, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng, người bệnh sẽ bị teo cơ, dính khớp, gù vẹo.
Những dấu hiệu khởi phát
Bệnh thường bắt đầu từ từ, biểu hiện là đau và hạn chế vận động vùng cột sống thắt lưng, nhưng cũng có thể bắt đầu bằng viêm các khớp chi dưới (háng, gối, cổ chân). Khi bệnh đã rõ, cột sống thắt lưng đau nhiều, tình trạng đau thường nặng về đêm, cứng cột sống, thấy rõ nhất là lúc sáng sớm mới ngủ dậy. Bệnh nhân bị hạn chế các động tác cúi, nghiêng, quay; các cơ cạnh cột sống teo rõ, viêm, đau; hạn chế vận động hai khớp háng hoặc khớp gối.
Cột sống bị viêm lâu ngày dẫn đến dính khớp, hạn chế hoặc làm mất vận động vùng cột sống thắt lưng.
Bệnh diễn biến kéo dài, có từng đợt tiến triển, sốt, gầy sút, cột sống và các khớp viêm tăng dần, nặng dần. Có thể có những tổn thương nội tạng kèm theo. Sau một thời gian (khoảng vài năm), toàn bộ cột sống dính không còn khả năng vận động (cổ, lưng, thắt lưng), hai khớp háng có thể dính hoàn toàn ở tư thế nửa co, bệnh nhân không bước đi bình thường được. Chức năng hô hấp có thể bị hạn chế do cột sống lưng dính. Nam giới trẻ tuổi thường hay mắc bệnh VCSDK nhất, chiếm tới 95% tổng số người mắc bệnh.
Giải pháp nào cho người bệnh VCSDK?
Trong điều trị bệnh VCSDK, tập vận động khớp và điều trị bằng thuốc có tầm quan trọng như nhau. Bên cạnh việc dùng các thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ… theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, trong giai đoạn tiến triển của bệnh, bệnh nhân phải nghỉ ngơi. Khi không vận động, phải đặt khớp xương viêm cấp tính ở vị trí thích hợp hoặc dùng nẹp để hạn chế cử động, tránh phát sinh co rút khớp. Trong thời kỳ cấp tính, phải kiên trì vận động duỗi thẳng chi và cột sống để giảm nhẹ các cơn đau do co rút cơ gây ra.
Khi nằm nghỉ, bệnh nhân phải nằm ngửa trên nền cứng, đầu gối thấp, chân duỗi thẳng hơi dạng để tránh các khớp bị co rút nặng thêm. Với tư thế này, nếu có dính khớp thì bệnh nhân vẫn có thể đi lại được. Tuy nhiên, khi bệnh đã đỡ thì cần phải tích cực vận động càng sớm càng tốt để chống dính khớp.
Mỗi ngày cần hoạt động xương khớp nhẹ nhàng 1 - 2 lần để giúp giảm bớt co cứng khớp. Xoa bóp vùng bị tổn thương giúp cho phục hồi nhanh hơn. Bệnh nhân có thể áp dụng các bài tập thể dục trị liệu hay tập bơi, chơi cầu lông, bóng bàn, thậm chí sau khi các triệu chứng bệnh đã khỏi thì vẫn phải kiên trì vận động trong thời gian dài để duy trì các khớp xương ở trạng thái chức năng bình thường.
Những điều người bệnh cần lưu ý
Điều quan trọng là người bệnh cần nhận thức được tình trạng viêm mạn tính vì việc kiểm soát bệnh là suốt đời. Cần tuân thủ đúng chế độ thuốc men và tập luyện do các bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Giai đoạn tiến triển của bệnh, nếu không được điều trị đúng, các khớp bị phá hủy nhiều và gây dính khớp ở tư thế xấu. Khi đã biết mình bị VCSDK do thầy thuốc chuyên khoa chẩn đoán thì người bệnh nên đi khám định kỳ để có hướng dùng thuốc, có chế độ luyện tập thích hợp. Cần kiên trì, không nản chí nếu có những đợt bệnh tiến triển nặng hơn. Không nên dùng prednisolon, dexamethason vì thuốc ít tác dụng (trừ khi có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa). Không được tiêm bất kỳ loại thuốc nào vào khớp và cột sống nếu không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Không nằm đệm, nằm võng, nằm co quắp vì sẽ gây dính khớp ở tư thế xấu.
- Tỷ lệ mắc bệnh VCSDK: Nam giới chiếm khoảng 90-95%, tuổi dưới 30 chiếm 80%, 60% trước tuổi 20. Bệnh có tính gia đình, những yếu tố môi trường như nhiễm khuẩn, chấn thương có thể kích thích khởi phát bệnh.
- 70% bắt đầu từ từ, 30% bắt đầu đột ngột, 75% bắt đầu từ khớp háng, 25% bắt đầu từ cột sống.
- Nếu là nam giới, trẻ tuổi, đau cứng cột sống dần dần rất có thể là VCSDK. Tuy nhiên, để khẳng định chẩn đoán cần phải làm các xét nghiệm: Chụp Xquang cột sống, xét nghiệm máu để loại trừ một số nguyên nhân khác như lao cột sống, chấn thương, bệnh bẩm sinh…
Theo SKDS