Dân gian hay nói đến từ yếu sinh lý để chỉ những người bị rối loạn cương, xuất tinh sớm, mất ham muốn tình dục hay vô sinh. Còn y học định nghĩa rối loạn cương là tình trạng dương vật cương không đủ cứng, hay cứng không giữ được lâu để giao hợp thỏa mãn, và tình trạng này kéo dài (hoặc diễn ra liên tục) trong ít nhất 3-6 tháng.
Như vậy, nếu dương vật vẫn cương bình thường nhưng bị xuất tinh sớm, xuất tinh trễ, hiếm muộn, vô sinh… thì không bị xem là rối loạn cương. Mặc dù dăm ba lần “không đạt” nhưng chưa đủ tiêu chuẩn “3-6 tháng” thì vẫn chưa được xếp vào nhóm bị rối loạn cương.
Có nhiều người bị không?
Để biết có bao nhiêu phần trăm nam giới bị rối loạn cương là một việc làm khó khăn do sự tế nhị của vấn đề. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy càng lớn tuổi thì càng có nhiều người bị rối loạn cương. Lứa tuổi 40 có khoảng 39% nam giới bị RLC, còn ở tuổi 70 thì có tới 66%. Tại Singapore, có 13% nam giới tuổi 40-70 bị RLC ở các mức độ khác nhau. Tại Thái Lan, tỷ lệ nam giới thành thị được coi là “yếu” chiếm 38%. Từ đó người ta dự tính, hiện nay có khoảng 30 triệu nam giới Mỹ và khoảng 180 triệu nam giới trên thế giới bị RLC. Tới năm 2025, con số này sẽ tăng lên khoảng 322 triệu người.
Rối loạn cươngRất cần sự hỗ trợ động viên của người vợ khi chồng bị RLC.
Làm sao biết mình RLC?
RLC có thể có các hình thức biểu hiện sau:
-Dương vật không cương, ngoài việc đi tiểu thì không làm gì khác được,
-Bình thường, hay lúc buồn tiểu thì cương được nhưng lúc cần tới thì không đạt yêu cầu.
-Dương vật đủ cứng để quan hệ, nhưng bỗng dưng “đứt gánh” mà chưa kịp xuất tinh.
Nguyên nhân gây RLC là gì?
Theo y học hơn 1 nửa bệnh nhân RLC là do có bệnh tại mạch máu dương vật, khoảng ¼ bệnh nhân là bệnh của dây thần kinh, bệnh về nội tiết… Trước đây, RLC thường bị cho là do tâm lý, nhưng ngày nay y học ghi nhận nguyên nhân do tâm lý chỉ chiếm khoảng 1/4-1/5 số bệnh nhân RLC. Ngoài ra, những người có bệnh thật sự lâu ngày tâm lý cũng bị rối loạn theo làm bệnh khó chữa hơn.
Những bệnh có thể gây RLC
Tiểu đường: tiểu đường gây tổn hại dây thần kinh và động mạch dương vật. Khoảng 35-75% bệnh nhân nam tiểu đường bị RLC.
Bệnh dây thần kinh: bệnh xơ cứng rải rác, bệnh Alzheimer, Parkinson và chấn thương tủy sống.
Bệnh mạch máu: xơ vữa thành mạch, tăng huyết áp, tăng cholesterol. 70% RLC có bệnh mạch máu.
Phẫu thuật: trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang.
Chấn thương: Xương chậu, tủy sống, dương vật.
Bất thường nội tiết: chỉ có 5% RLC là do nguyên nhân này.
Thuốc lá, rượu và thuốc: Những chất kích thích này làm hư mạch máu, giảm lượng máu đến dương vật. Những thuốc có thể gây RLC: thuốc lợi tiểu, tăng huyết áp, chống loạn nhịp tim, trầm cảm, động kinh, lo lắng, an thần, kháng histamin, giãn cơ, ung thư.
Điều trị RLC thế nào?
Bệnh nhân nên thay đổi lối sống: Bỏ thuốc lá, rèn luyện thân thể đều đặn để tăng cường sức khỏe chung và giảm lo âu (stress).
Mục tiêu đầu tiên của thầy thuốc trong khám và chữa RLC là xác định nguyên nhân bệnh (nếu được), chứ không phải chữa triệu chứng đơn thuần. Nhiều khi chỉ cần thay đổi lối sống, ngừng hút thuốc lá là khỏi bệnh. Nếu nguyên nhân do giảm testosterone thì bổ sung testosterone có thể mang lại hiệu quả tốt. Ở bệnh nhân trẻ, RLC do chấn thương xương chậu thì phẫu thuật nối động mạch là có kết quả rất tốt.
Trong nhiều trường hợp, khi không có biện pháp điều trị nguyên nhân đặc biệt thì điều trị RLC cần thực hiện theo phác đồ Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo:
Những phương pháp trị liệu bước 1
Thuốc uống: Nhóm ức chế men PDE5 ra đời từ năm 1998, dành cho những bệnh nhân có ham muốn tình dục bình thường nhưng “bộ phận ấy” không chịu hoạt động. Hiện nay có 5 loại thuốc ức chế men PDE5 được lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới là sildenafil, vardenafil, tadanafil, udenafil và aranafil. Chúng không phải là thuốc kích dục vì không mang tới sự hưng phấn tình dục. Bệnh nhân phải có ham muốn tình dục bình thường thì dùng chúng mới có hiệu quả. Thuốc có tác dụng sau 1-2 giờ uống.
Tác dụng phụ của thuốc là nhức đầu, đỏ bừng mặt, nghẹt mũi. Không dùng các thuốc ức chế men PDE5 cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc giãn mạch vành tim dạng nitrate.
Ống hút chân không: Ống hút thường được người cao tuổi ưa dùng. Mục đích ống hút là tạo áp lực âm để hút máu vào dương vật và giữ máu lại bằng vòng dây thắt đàn hồi ở gốc dương vật. Khi nào “xong việc” (không nên quá 30 phút) thì tháo dây thắt ra. Ưu điểm của ống hút là rẻ tiền mua một lần và dùng mãi nhưng nhược điểm là khó sử dụng, không tự nhiên, gây đau dương vật, dương vật lạnh chứ không ấm khi cương.
Liệu pháp tâm lý tình dục: dành cho bệnh nhân có vấn đề tâm lý rõ rệt. Liệu pháp tâm lý cần nhiều thời gian và rất cần có vợ tham gia.
Những biện pháp trị liệu bước 2:
Tiêm thuốc trong thể hang: Có nhiều loại thuốc tiêm vào thể hang (prostaglandin E1, phentolamine, papaverine…). Thuốc tiêm có hiệu quả trên đa số bệnh nhân nhưng được dùng cho bệnh nhân có nguy cơ bị chứng cương dương vật kéo dài. Sau khi tiêm 5-10 phút dương vật cương lên và có thể cương kéo dài từ 30 phút đến vài giờ, tùy liều lượng. Nhóm thuốc này gây cương dù bệnh nhân có hay không ham muốn tình dục, vì chúng làm giãn các xoang mạch máu ở dương vật, gây cương. Nhóm thuốc này càng ngày ít được sử dụng do sự bất tiện (bệnh nhân phải tự tiêm hay nhờ vợ tiêm) và gây đau, nên hiện nay chúng thường được sử dụng để đánh giá tình trạng mạch máu dương vật của bệnh nhân hơn là để điều tị RLC.
Những biện pháp trị liệu bước 3:
Thể hang nhân tạo:
Dành cho bệnh nhân đã hết cách, dùng thuốc không có kết quả. Phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo không khó, nhưng chi phí khá đắt và khi đã chọn cách chữa này thì không thể quay lui được. Sau khi mổ đặt thể hang nhân tạo xong, khi “cần” bệnh nhân sẽ bóp một nút nhỏ dưới da để nước bơm vào thể hang nhân tạo, giúp dương vật “vươn lên”. Khi không cần thì ấn lại nút này lần nữa dương vật sẽ về thế nghỉ.
Phẫu thuật nối thông động mạch: Chỉ dành cho những người trẻ tuổi dưới 35, có động mạch bị tắc do chấn thương xương chậu… Để phẫu thuật thành công, bác sĩ phải giỏi về vi phẫu thuật.
Có thể phòng được RLX không?
Một đời sống lành mạch không thuốc lá, không bê tha rượu chè, thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống điều độ, giữ cơ thể tráng kiện, tránh những bệnh tiểu đường, xơ vữa thành mạch sẽ khiến RLC khó xảy ra.
Vai trò của người hôn phối Vợ của người bệnh RLC nên:
-Nói chuyện nhẹ nhàng với chồng về những cảm xúc của bạn và cho chồng bạn biết bạn “sát cánh” bên chồng trong chữa trị.
-Duy trì tinh thần lạc quan. Không nên trách móc, nghi kỵ, ghen tuông.
-Tránh tạo ra áp lực lên người chồng về chuyện quan hệ tình dục, nên áp dụng những biện pháp khác để cả hai cùng hài lòng.
-Nên tìm hiểu, nâng cao kiến thức về chữa trị RLC để cả hai vợ chồng cùng đồng ý về biện pháp điều trị phù hợp nhất với hoàn cảnh kinh tế, làm việc và sinh sống của gia đình.
-Thỉnh thoảng nên nói cho chồng hiểu RLC không phải là bệnh hiếm và bệnh này chữa được, có nhiều cách chữa, RLC không ảnh hưởng đến nam tính của người chồng, khuyên chồng nên bỏ thuốc lá, tăng cường tập thể dục thể thao.
-Có thể cùng chồng đến bác sĩ nếu chồng đồng ý để cùng thảo luận với bác sĩ về cách điều trị tốt nhất cho hai người.
Theo SKDS