Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Nam giới cần cảnh giác trước các vết thương hở

Bị thương ở chân khi đá bóng, Nam, 25 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) đã cẩn thận đi khâu, rửa vết thương và tiêm huyết thanh kháng uốn ván. Nhưng 10 ngày sau, cậu phải đi cấp cứu trong tình trạng co cứng toàn thân, co giật vì bị uốn ván.

Ảnh: Ngọc Dương.
Một bệnh nhân mắc uốn ván đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Dương.

Mới đầu Nam có biểu hiện cứng hàm, khó há miệng, về sau thì toàn thân bị co cứng, lên cơn co giật. Cậu được chuyển vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu từ ngày 30/4. Dù đã điều trị gần 10 ngày, thở máy, cho dùng kháng sinh, thuốc an thần liều cao... nhưng đến nay tình trạng co giật vẫn còn.

Đây là một trong những ca mắc uốn ván tương đối nặng đang điều trị tại Bệnh viện. Với bệnh này, thời gian khởi phát bệnh càng ngắn thì càng nguy hiểm vì độc tố tiết ra nhiều, diễn biến bệnh sẽ nhanh. Không những thế, bệnh nhân còn thêm tình trạng bội nhiễm phổi nên việc điều trị phức tạp hơn, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và điều trị tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết.

Giống như Nam, anh Hồng, 46 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định cũng phải đi cấp cứu vì bị uốn ván. Nguyên do chỉ vì bị gạch rơi vào ngón chân cái. Anh đã tiêm huyết thanh kháng uốn ván, lấy ôxy già rửa, băng bó vết thương. Một tháng sau, vết thương đã khô, đóng kín miệng thế nhưng anh lại thấy cứng hàm, khó nuốt, khó há miệng, đau thắt lưng, tăng trường lực cơ.

Bác sĩ Cấp cho biết, khi vào viện, bệnh nhân chưa có cơn co giật nhưng 2 ngày sau thì bệnh tiến triển nặng lên, tăng trường lực cơ toàn thân, phải thở máy, dùng thuốc an thần liều cao để chống co giật. Tiên lượng bệnh khá hơn vì thời gian ủ bệnh kéo dài.

"Điều đáng lưu ý là ở trong cả hai trường hợp trên, bệnh nhân đều tiêm huyết thanh kháng uốn ván (hay SAT) nhưng vẫn bị uốn ván. Nguyên nhân vì SAT là kháng thể từ bên ngoài đưa vào nên chỉ có tác dụng bảo vệ khoảng một tuần. Đáng lý bệnh nhân nên tiêm cả vắcxin phòng uốn ván, như thế khi SAT hết tác dụng thì cơ thể đã tự sinh ra kháng thể để bảo vệ", bác sĩ Cấp lý giải.

Cũng theo bác sĩ, uốn ván là vi khuẩn sinh nha bào, vi khuẩn thải bớt nước và đông khô như kiểu con kén, ở thế nằm ngủ. Khi xâm nhập vào vết thương, đặc biệt vết thương dập nát nhiều, cộng thêm điều kiện môi trường thiếu ôxy (yếm khí) thì nha bào thoát vỏ phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên tiết ra các độc tố, gây bệnh uốn ván. Độc tố này gây nhiễm độc hệ thần kinh vận động khiến người bệnh bị co cứng toàn thân và co giật liên tục.

"Nha bào phổ biến trong môi trường, đất, cát, đặc biệt môi trường có nhiều phân súc vật, số lượng nha bào nhiều lên. Vì thế, bất cứ ai bị vết thương hở đều có nguy cơ bị uốn ván", bác sĩ Cấp nói.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, từ đầu năm đến 9/5, Bệnh viện đã tiếp nhận 43 bệnh nhân bị uốn ván, trong đó Hà Nội có 8 ca. Trẻ em và phụ nữ mang thai đều được tiêm phòng uốn ván nên đã có kháng thể. Nhóm hay bị bệnh chủ yếu là nam giới, hay bị thương và chưa được tiêm phòng.

Theo bác sĩ Cấp, nếu như vào 10 năm trước, tỷ lệ tử vong do uốn ván rất cao, có thể lên đến 60-70%, nhưng nay có trang thiết bị hiện đại, thuốc điều trị tốt... nên tỷ lệ tử vong giảm nhiều, tuy nhiên vẫn có ca tử vong. Vì thế để phòng bệnh, người dân cần lưu ý xử lý vết thương thật tốt và tiêm vắcxin phòng uốn ván.

Khi bị thương, người bệnh cần giải phóng dị vật trong vết thương, lấy hết đất, cát, dằm, gỗ..., cắt phần dập nát. Nếu vết thương có nguy cơ nhiễm trùng cần dùng kháng sinh. Ngoài ra nên tiêm ngay huyết thanh chứa kháng thể uốn ván và vắcxin phòng uốn ván.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh, tốt nhất người dân nên tiêm phòng chủ động vì giá rẻ. Nếu tiêm đủ liều, miễn dịch bảo vệ trong 10 năm, sau đó tiêm nhắc lại một lần. Trong khi đó, nếu bị mắc uốn ván, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém, trung bình chi phí điều trị một ca khoảng 100 triệu đồng.

(Theo Nam Phương // VnExpress)

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay